Quốc hội thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp, Luật Nhà ở hiện hành chưa yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, làm mất cân đối cung- cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp.
Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, cần phát triển nhà ở xã hội theo hướng không phải để bán mà để cho thuê với giá rẻ. Do đó, luật phải đưa ra được hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhất là dạng căn hộ cho thuê và cho thuê mua, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của phần lớn người dân đang có nhu cầu về nhà ở. Chính vì Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nên hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh, trong khi xu hướng hiện nay là cần phải xây dựng nhiều quỹ nhà ở để cho thuê.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại hội trường
Về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, dự thảo luật có nội dung cho phép cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua cùng có quyền thế chấp. ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đề nghị: “Như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Bởi vì người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán. Ở góc độ quản lý khi nhà ở còn nằm trên giấy thì quản lý Nhà nước không biết được lịch sử của căn nhà, không biết được chủ đầu tư bán cho bao nhiêu người”.
Qui định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở tính từ khi được cấp Giấy chứng nhận, hay từ thời điểm thanh toán đủ tiền mua, nhận bàn giao nhà… được khá nhiều ĐB quan tâm. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đồng ý với trường hợp thừa kế về nhà ở được quy định tại Khoản 4, Điều 13, còn các trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở và tặng cho, đổi nhà ở thì đề nghị quy định theo hướng thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trung thực, thiện chí, ngay tình và hạn chế được các trường hợp tranh chấp, lừa đảo trong thực tế. Ví dụ chủ sở hữu một căn nhà bán cho nhiều người, có người có hợp đồng công chứng, có người có hợp đồng bằng giấy tay, thậm chí có người không có hợp đồng. “Nếu quy định như dự án luật xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm thanh toán đủ tiền giữa bên mua và bán thì có thể dẫn đến hợp đồng công chứng không có giá trị hoặc khó xác định chính xác thời điểm thanh toán, vì chủ yếu các giao dịch mua bán bằng tiền mặt”, ĐB Tấn nói.
ĐB Nguyễn Minh Quang (TP Hà Nội) cũng cho rằng, nội dung dự thảo như trên là không thống nhất với Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự. Vì vậy, ĐB Nguyễn Minh Quang kiến nghị Ban soạn thảo điều chỉnh để tránh mâu thuẫn giữa các luật dẫn đến tranh chấp khi áp dụng.
Thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sửa đổi Sáng 18-6, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công với 88,35% số ĐB tán thành. Luật Đầu tư công bao gồm 6 chương, 108 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Đây là một trong những dự án Luật quan trọng, quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công. |
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại