Đánh mất tuổi xuân vì muốn mua quà tặng bạn gái bằng tiền xách thuê ma tuý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm nhân Giàng A Tỏa bảo ước mơ sau khi ra trại sẽ tự tay xây nhà cho bố mẹ |
Vì kém hiểu biết pháp luật?
Tâm sự với phóng viên, phạm nhân Giàng A Tỏa, SN 1995, trú tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bảo rằng, gần 6 năm ở trại giam thi hành bản án 11 năm tù vì tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, anh ta đã học được nhiều điều. Năm đầu vào trại, sau khi học nội quy, Tỏa được phân về đội làm mi mắt giả. Nhưng với bản tính không khéo léo nên công việc ấy Tỏa chỉ làm được 1 thời gian rồi chuyển sang làm vàng mã. Thế nhưng, công việc làm vàng mã cũng đòi hỏi sự cần cù, tỉ mẩn, nên hơn năm sau Tỏa lại được chuyển đội sản xuất. “Em được cán bộ chuyển về đội làm xây dựng, nhưng chính công việc này đã khiến cho em học được nghề...”, phạm nhân Giàng A Tỏa tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình lại đông con, bố mẹ làm nông nghiệp nên cuộc sống của gia đình Tỏa không mấy khá giả. Vì thế học hết tiểu học, Tỏa phải gác ngang con đường học hành. Thời gian ở nhà, Tỏa đi nương với bố mẹ, rảnh rỗi lại vào rừng chặt củi khô đem về chợ bán. Tỏa kể, nhà cách chợ Bắc Hà không xa lắm nên ngoài những lần mang củi, mang rau củ hay những vật nuôi được như gà, lợn ra chợ bán thì những phiên chợ chính, Tỏa vẫn có mặt. Hỏi để làm gì, anh ta cười bảo để dắt hộ ngựa, trông thuê ngựa và thấy có khách mua thì nói đỡ vài câu cho chủ, thế nào cũng được cho tiền hoặc mời uống rượu. Được va chạm với nhiều người, Tỏa khôn lanh hơn so với đám bạn. Thế nhưng không hiểu sao, trong lúc cùng quẫn vì thiếu tiền, Tỏa lại làm liều, để phải trả giá đắt.
Theo lời Tỏa kể thì vào khoảng giữa tháng 8/2016, anh ta cùng nhóm bạn rủ nhau sang Trung Quốc chơi. Tỏa thích lắm vì trong nhóm có một thiếu nữ mà anh ta có cảm tình nên đặt nhiều hy vọng vào chuyến đi này. Nuôi ý định sẽ mua tặng thiếu nữ nọ một món quà, ngày nào Tỏa cũng ra chợ với mong muốn kiếm được ít tiền. Thế nhưng chẳng hiểu sao những người hay nhờ Tỏa trong việc dắt hộ, canh chừng hay cho ngựa uống nước lại không ai thuê anh ta cả. Đang không biết phải làm gì để có tiền đi chơi thì một người đàn ông xuất hiện, nhờ Tỏa cầm hộ gói hàng qua biên giới, sẽ có người tìm gặp nhận. Ông ta lấy số điện thoại của Tỏa, hứa sau khi gói hàng đến tay người nhận thì Tỏa sẽ được người này cho 2 triệu đồng tiền công.
Chỉ nghe thôi, Tỏa đã biết gói hàng đó là gì nhưng vì cần tiền nên anh ta vẫn nhận lời. Thế nhưng chuyến đi ấy đã không thành công. Khi Tỏa với nhóm bạn còn đang lang thang ở TP Lào Cai, còn chưa kịp tìm đường qua biên giới thì anh ta bị bắt giữ. Với nửa bánh heroin trong túi áo, Giàng A Tỏa bị kết án 11 năm tù, thi hành án ở trại giam số 5.
Ước mơ tự tay xây nhà cho bố mẹ
Về trại giam, sau khi trải qua nhiều công việc, hiện nay Tỏa đang làm ở đội thợ xây. Nói về công việc đang làm, nam phạm nhân này kể rằng, ngày đầu chưa quen nên thấy đau lưng, nhưng một thời sau thấy quen rồi lại thích. Tỏa bảo công việc đòi hỏi phải có sức khỏe để bưng bê, gánh gạch nhưng bù lại thì làm việc ngoài trời sẽ thoáng đãng và thoải mái chứ không bức bối hay gò bó như trong nhà xưởng. Tỏa bảo công việc chính của anh ta là bê gạch và gánh cát. Thi thoảng cũng được cho đánh vữa nhưng phải trộn bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng thì anh ta không biết. Nhiều lúc rảnh rỗi, Tỏa cũng được bạn tù cho cầm dao xây, dạy cho cách đặt vữa, đặt gạch.
Tâm sự về gia đình, Tỏa bảo chỉ khi vào trại mới thấy thương người thân, bố mẹ. Bởi ở trong trại, phải lao động, nhưng sinh hoạt theo chế độ và khẩu phần ăn cũng cố định, chỉ thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân. Mỗi lần bưng bát cơm lên, anh ta lại nhớ đến bố mẹ vất vả nơi quê nhà mà vẫn không có tiền xây cho mình được ngôi nhà tử tế. Tỏa bảo sau này ra trại sẽ đi làm thợ xây để kiếm tiền chứ không về quê làm ruộng. Anh ta ao ước sau này về nhà sẽ dựng một căn nhà xây cho bố mẹ ở, không còn phải chịu cảnh nắng mưa, nhà dột hay vất vả vào rừng chặt cây về dựng nhà, bưng vách nữa.
“Em vào đây thi hành án được gần 6 năm rồi, chưa được gặp người thân vì nhà ở xa, bố mẹ cũng không có điều kiện. Nói chuyện qua điện thoại thì anh trai bảo ở nhà mọi người vẫn khỏe, mẹ không đi rẫy nữa, ở nhà trông cháu thôi. Em đoán mẹ chắc già rồi, các anh chị lại sinh nhiều con nên mẹ phải ở nhà giữ cháu cho các anh chị ấy đi nương”, Tỏa chia sẻ.
Hỏi Tỏa ngoài thời gian đi lao động, có tham gia vào các hoạt động khác như văn hóa, văn nghệ, thể thao của trại không, anh ta cười bảo, có vào đội bóng đá và tham gia thi đấu vào các dịp lễ Tết do trại giam tổ chức. Thời gian rảnh rỗi và nhất là 2 ngày nghỉ cuối tuần không phải đi lao động, Tỏa dọn dẹp chỗ ở, giặt giũ quần áo và xem tivi.
Ngồi trầm ngâm trên băng ghế dài của hội trường trại giam, phạm nhân Giàng A Tỏa bảo rằng, sau ngần ấy thời gian, anh ta đã được vào vòng giảm án 2 lần. Và tới đây, nếu không có gì thay đổi thì anh ta tiếp tục được giảm án tiếp và như thế ngày về của Tỏa sẽ ngắn lại.
Tỏa bảo, trong trại giam, anh ta đang có gắng học tốt nghề xây dựng, để sau này khi ra trại, việc làm đầu tiên sẽ đi làm để tích cóp, có tiền, mua nguyên vật liệu và xây nhà cho cha mẹ, ổn định cuộc sống. Sau đó, nếu có cô nào thương, thấu hiểu cho hoàn cảnh của mình thì sẽ kết hôn, xây đắp cuộc sống ổn định, chứ không lang thang như trước và chắc chắn sẽ không đi vào vết xe đổ ngày xưa nữa...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại