Chủ nhật 25/08/2024 22:14
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024)

Đại đoàn kết, bài học không bao giờ cũ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam. Sau 79 năm, thành công của Cách mạng Tháng Tám vẫn để lại nhiều bài học lịch sử quý giá.
Đại đoàn kết, bài học không bao giờ cũ
Mít tinh của hàng vạn quần chúng nhân dân tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 19/8/1945, do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Bài học lớn nhất vẫn còn nguyên tính thời sự, đó bài học về tinh thần đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lòng dân.

Nhân lên sức mạnh nội lực

Những ngày mùa Thu tháng Tám của 79 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Từ Hà Nội cũng như cả nước, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Theo tư liệu trong Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội (1930 - 2000), thực hiện kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội được diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu. Ngay ngày hôm sau, chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt Nhân dân tại Bắc Bộ Phủ trước sự chứng kiến của đông đảo Nhân dân Hà Nội.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày 19/8/1945 có ý nghĩa quyết định đối với phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, góp phần thúc đẩy, cổ vũ và đóng góp những kinh nghiệm quý để Nhân dân các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam liên tiếp đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Từ đó, dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt quốc dân đồng bào, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trên cơ sở thắng lợi vĩ đại vừa giành được, Đảng kịp thời đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nội dung cụ thể là: đánh giá đúng và biết tập hợp, tổ chức lực lượng các giai cấp cách mạng, trong đó lấy liên minh công nông làm nền tảng.

Trên cơ sở đó, biết khơi dậy tinh thần dân tộc trong mọi tầng lớp Nhân dân, tập hợp mọi lực lượng yêu nước tiến bộ trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, phân hóa và cô lập cao đội kẻ thù, chớp thời cơ tiến lên đánh bại chúng. Bài học kinh nghiệm này được Đảng chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào các chặng đường cách mạng tiếp theo. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng (nguyên giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. “Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng suốt 15 năm: chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931 - 1935, chuẩn bị cả cao trào 1936 - 1939 và đặc biệt 1939 - 1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công”- GS.TS Mạch Quang Thắng phân tích.

Điểm tựa vững chắc nhất là lòng dân

Như các nhà nghiên cứu đã nhận định "nhiều bài học đã được rút ra từ lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong đó còn có bài học về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng tiên phong và quần chúng Nhân dân". Như tại Hà Nội, chính sức mạnh như triều dâng thác đổ của hơn 20 vạn người dân đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa dành chính quyền ngày 19/8.

Từ đây cũng chỉ ra rằng, để được Nhân dân tin yêu, ủng hộ thì người cán bộ, đảng viên phải thực sự gần dân, lắng nghe, thấu hiểu Nhân dân, và hơn hết, phải đứng ở vị trí tiên phong, là người lãnh đạo và là tấm gương sáng để Nhân dân noi theo. Cùng với đó là bài học to lớn về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng Nhân dân.

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, lòng dân là mạch nguồn tạo nên sức mạnh nội sinh, quyết định sự hưng thịnh, suy vong của quốc gia, dân tộc; là thành lũy kiên cố vững chắc nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn lịch sử của Cách mạng Tháng Tám cho thấy, chỉ khi nào cách mạng giải quyết được bài toán lợi ích chính đáng và nguyện vọng bức thiết nhất của Nhân dân, thì Nhân dân sẽ một lòng tin và đi theo cách mạng.

“Cách mạng Tháng Tám diễn ra cách đây 79 năm, nhưng tinh thần hào sảng và khí thế cách mạng vẫn luôn là ngọn đuốc soi rọi để chúng ta hội nhập, mở rộng, phát triển đất nước. Những bài học về sức mạnh lòng dân trong sự kiện lịch sử này sẽ mãi còn nguyên giá trị để chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trên con đường kiến tạo tương lai, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân”- GS.TS Mạch Quang Thắng nói.

Hiện nay, trong tiến trình xây dựng đất nước, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh chưa được giải quyết kịp thời, khiến lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền tại một số nơi đang bị thử thách, nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong những năm vừa qua, hàng loạt Nghị quyết đỉnh đốn Đảng được ban hành, chấn chỉnh chất lượng đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm minh những sai phạm. Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, có thể nói rằng, trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta xử lý nhiều cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao như thế. Điều đó mang lại niềm tin trong Nhân dân về việc xử lý tham nhũng, thoái hóa… không có vùng cấm. Đây là việc tích cực, Đảng quyết tâm rà soát, làm rốt ráo hơn nữa; xử lý kiên quyết hơn nữa những người vi phạm, thực sự làm trong sạch đội ngũ, từ đó, củng cố thêm niềm tin trong dân; thể hiện rõ bài học về trọng dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Tầm vóc vĩ đại và thành quả của Cách mạng Tháng Tám đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Từ thực tế ấy có thể thấy, những bài học từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn mãi là tài sản vô giá về cả lý luận và thực tiễn. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là kế thừa, phát huy sáng tạo giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với sự chuyển biến của thời cuộc.

Trong những bài học lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Thực tế lúc bấy giờ, số lượng đảng viên ít ỏi, về vũ khí cũng đơn sơ; kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh đói kém. Trong bối cảnh ấy, biết phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp được người dân đồng lòng dưới cờ Đảng thì khó khăn, thử thách đến đâu cũng sẽ giành được thắng lợi.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

Ký ức một thời hoa lửa
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Nhớ giây phút thiêng liêng!
Trần Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động