Có thể bị xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát hiện F0 qua hệ thống dữ liệu dân cư
Ngày 1-9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu CA TP.HCM cho biết, thông tin F0 được Sở Y tế TP.HCM cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc 30 F0 được phát hiện khi quét mã QR tại các chốt kiểm soát là do người đó khai báo trên phần mềm, có lịch sử đã từng là F0.
Tuy nhiên, theo đại diện CA TP.HCM, các F0 di chuyển trên đường này chưa xác định được là F0 lúc nào, có thể họ đã khỏi bệnh. Hoặc đang là F0 nhưng đang di chuyển đến các khu cách ly và có thể có lý do khác. CA TP.HCM đã báo các trường hợp này qua Sở Y tế TP, sau đó Sở Y tế phải rà soát thêm để xác định họ là F0 ở thời điểm nào thì mới có phương án xử lý đối với từng trường hợp.
Lực lượng chức năng kiểm tra mã QR của người đi đường ở TP.HCM |
Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị người dân nên sử dụng phần mềm khai báo di chuyển nội địa qua mã QR. Người dân nên khai báo di chuyển nội địa từ nhà và trình mã QR tại chốt chứ không nên đến chốt mới bắt đầu khai báo. Về lợi ích của việc khai báo di chuyển nội địa qua mã QR, CA TP.HCM cho biết sẽ phối hợp Sở Y tế và đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm cả F0. Thông qua việc kiểm soát tại các chốt, lực lượng chức năng phát hiện kịp thời những ca F0 di chuyển và ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.
Phó trưởng phòng Tham mưu CA TP.HCM cũng cho biết, thời gian qua khi kiểm tra người dân di chuyển nội địa thông qua phần mềm quản lý di biến động dân cư, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp người dân là F0 lưu thông qua chốt kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu phát hiện F0 ra đường thì lực lượng trực chốt sẽ giữ lại và gọi y tế xuống đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly điều trị. Hiện nay, qua quét mã QR khai báo thì lực lượng trực chốt có thể nhanh chóng nhận biết người dân thuộc trường hợp có nguy cơ hoặc nguy cơ cao nhiễm Covid-19 không để có cách xử trí phù hợp.
“Nếu có trường hợp này xảy ra trên địa bàn thì lực lượng trực chốt sẽ giữ lại và phối hợp với y tế địa phương xử lý. Ngoài ra sẽ trao đổi với nơi cư trú của người này để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm tra tại các chốt, nếu phát hiện người nào có nghi vấn là F0 thì cán bộ trực chốt sẽ đối chiếu lại với y tế địa phương để đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nếu phát hiện F0 di chuyển ngoài đường, lực lượng chức năng tại các chốt sẽ xử lý nghiêm”, Phó trưởng phòng Tham mưu CA TP.HCM cho biết.
30 F0 sẽ bị xử lý?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội, đối với hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật”, “không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” là những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 3 và 7 Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Nếu 30 F0 bị lực lượng chức năng phát hiện khi qua chốt thông qua “khai báo di chuyển nội địa” mà trước đó F0 biết mình đã bị nhiễm bệnh Covid-19 nhưng không khai báo và chấp hành biện pháp cách ly thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi của 30 F0 này, nếu chưa gây ra hậu quả hoặc chưa có căn cứ để xác định việc những người này đã gây hậu quả là làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể họ sẽ bị xử phạt hành chính 2 lỗi: “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân” theo điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020 của Chính phủ về với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và lỗi “trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…” theo điểm b, khoản 2, Điều 11 của Nghị định trên với mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Vị luật sư này cũng cho hay, trong trường hợp xác minh, làm rõ nếu hành vi của các F0 này làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240, BLHS năm 2015 với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại