Hiện đại hóa đô thị, kết nối thông tin đa chiều
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác tuyến đường thuộc khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ được ưu tiên thí điểm việc gắn mã QR Code |
Phát huy những ưu thế của công nghệ số
Hà Nội đang chuyển mình thành một đô thị thông minh và hiện đại thông qua việc áp dụng công nghệ số vào quản lý và điều hành. TP đã triển khai các hệ thống giao thông thông minh, y tế trực tuyến, giáo dục số, hạ tầng kỹ thuật số với với mạng internet tốc độ cao và các dịch vụ công trực tuyến giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Cùng với đó, Hà Nội chú trọng đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đô thị. Phát huy những ưu thế của công nghệ số trong quản lý và điều hành, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương thí điểm gắn mã QR tên đường, phố bằng biển phụ trên 139 cột tên đường, phố ở quận Hoàn Kiếm. Theo đó, UBND TP đồng ý về chủ trương triển khai thí điểm việc gắn mã QR tên đường, phố bằng biển phụ trên 139 cột tên đường, phố hiện trạng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, triển khai thực hiện từ tháng 9/2024; tổ chức đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện, báo cáo UBND TP Hà Nội trong tháng 12/2024. Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận hiện có 1.261 biển báo các loại, trong đó có 668 biển báo giao thông và 593 biển tên phố. Hệ thống biển tên phố gồm 92 loại đặt trên cột và gắn lên tường nhà dân.
Trung bình tại các nút giao thông đều có từ 1 - 6 biển báo giao thông. Đặc biệt, có một số nút giao có từ 9 biển báo giao thông trở lên như: phố Phùng Hưng - Hàng Bông, Hàng Bài - Lý Thường Kiệt, cửa khẩu Cầu Đất. Nhiều biển báo kích thước lớn, được gắn trên các cột khác nhau chiếm dụng diện tích vỉa hè ảnh hưởng đến người đi bộ, một số biển có vị trí lắp đặt chưa hợp lý. Do vậy, cần sắp xếp, chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR trên các tuyến phố thuộc khu vực phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp, hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục rà soát, điều chỉnh phạm vi, nội dung sắp xếp, chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR tên phố trên các tuyến phố thuộc khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, để bảo đảm phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Để tính ứng dụng đi vào đời sống
Việc lắp đặt hệ thống mã QR đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phát triển du lịch trong tình hình hiện nay. Đề xuất này được nhiều người dân cũng như chính quyền sở tại đồng lòng ủng hộ.
Anh Nguyễn Văn Vinh (ở phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Việc triển khai gắn mã QR tại các tuyến đường sẽ giúp người dân, du khách hiểu hơn về ý nghĩa của tên các tuyến đường, các địa danh trên địa bàn, hiển thị vị trí địa lý, lý trình, chiều dài của tuyến đường. Tuy nhiên, hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các con đường, tuyến phố, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội”.
Theo các chuyên gia đô thị, để tính ứng dụng gắn mã QR tên đường, phố đi vào đời sống nhanh chóng, đạt hiệu quả cao, TP cũng cần chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR tên phố trên các tuyến phố thuộc khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đảm bảo phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định. Mã QR cần rõ ràng, dễ hiểu và có thể hiển thị bằng nhiều thứ ngôn ngữ, nhiều ứng dụng để việc tiếp cận thêm dễ dàng, thuận tiện; đồng thời, việc sắp xếp, tích hợp các biển báo giao thông phải đảm bảo cho người tham gia giao thông dễ nhận biết, không gây nhầm lẫn và đảm bảo mỹ quan đô thị…
Trên thực tế, việc số hóa tên đường phố không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng “giáo dục lịch sử” mà còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác, nhất là phục vụ cho phát triển du lịch. Như vậy, khách du lịch sẽ dễ dàng tra cứu những thông tin cần thiết để phục vụ cho các nhu cầu tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí... tại khu vực mình di chuyển. Được biết, cách đây khoảng 10 năm, TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong biến các biển tên đường phố thành phương tiện chuyển tải lịch sử. Hàng chục tuyến phố thay vì chỉ có biển tên thông thường đã được thêm những dòng chú thích cụ thể. Các tuyến phố của Việt nam có đặc điểm là thường lấy tên danh nhân, tên địa danh nổi tiếng, tên vùng đất cổ... những thông tin về nhân vật, địa danh được chú giải một cách ngắn gọn giúp người dân hiểu thêm về nhân vật, địa danh lịch sử, ý nghĩa của việc đặt tên đường.
Không chỉ có tại Hà Nội, việc gắn mã QR trên các tuyến phố đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử, tại Đà Nẵng, việc lắp đặt bảng mã QR trên các bảng tên đường tại quận Sơn Trà cho thấy tính thiết thực trong chuyển đổi số được phát huy. Hay tại Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Phước... việc gắn mã QR trên các biển tên tuyến phố cũng đang phát huy hiệu quả. Người dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR và sẽ được chỉ dẫn đến đường link để truy cập thông tin về tuyến đường.
QR code có kích thước 8x8 cm, được dán bên phải bảng tên đường. Vật liệu là decal trắng in mã vạch màu đen. Ðể tra cứu thông tin, người dân tải về và cài đặt các phần mềm tra cứu chuyên dụng như QR Code Reader, QR Scanner... hoặc sử dụng phần mềm tích hợp sẵn trên thiết bị di động. Ðối với điện thoại thông minh, chỉ cần bật camera là có thể quét mã. Ðể quét QR code, người dân có thể đứng cách bảng tên đường 2-4m hoặc phóng đại camera điện thoại để tra cứu. |
Từ 1/6, tất cả bộ phận một cửa ở Hà Nội thu phí không dùng tiền mặt | |
Hà Nội: thí điểm gắn mã QR tại 139 tuyến phố quận Hoàn Kiếm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại