Thứ bảy 19/10/2024 09:14

Đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TP Hà Nội tích cực thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu xuyên suốt, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền; xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số

Hành khách mở sẵn mã QR trên nền tảng của ứng dụng “Thẻ vé Giao thông Hà Nội” khi chờ xe buýt Ảnh: Phạm Công.

Đã hoàn thành trên 50% mục tiêu chuyển đổi số

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại.

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, đề ra 15 mục tiêu cần hoàn thiện đến hết năm 2025. Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU, tính đến 9/2024, Hà Nội đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành (trên 50%).

Trong cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với thanh niên Thủ đô mới diễn ra, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong thời gian gần đây, công tác chuyển đổi số của Hà Nội đang chuyển động rất nhanh, đồng bộ. Các sở, ngành, quận, huyện có nhiều sáng kiến đóng góp cho chuyển đổi số của TP trên cả 3 trụ cột: xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số; xây dựng thúc đẩy xã hội số, công dân số.

Về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, ngày 28/6/2024, Hà Nội đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công dân Thủ đô số (iHanoi), hồ sơ sức khỏe điện tử TP, ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…

Giám đốc Sở Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn sau này tất cả các app sẽ gắn luôn vào iHanoi. Chúng ta chỉ cần dùng tài khoản iHanoi để khai thác tất cả các tiện ích, các app còn lại của TP". Về hạ tầng số, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều kế hoạch bài bản, căn cơ trong từng giai đoạn cũng như từng năm. Các app mới của các sở cũng sẽ được tích hợp vào iHanoi để khai thác tiện ích, đăng nhập một lần và có thể sử dụng tất cả các tính năng…

Đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số
Tuổi trẻ Thủ đô triển khai tuyên truyền tới người dân về cài đặt ứng dụng iHanoi. Ảnh: M.M

Phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số

Đối với phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, Hà Nội đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số như: trong năm 2024, Trung tâm dữ liệu hành chính hiện đại với công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn thông tin là cấu phần quan trọng của hạ tầng dữ liệu phục vụ triển khai Chính quyền điện tử TP sẽ được đưa vào vận hành.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP) đã kết nối với 7 hạ tầng thông tin/cơ sở dữ liệu của Hà Nội và 14 hạ tầng thông tin/cơ sở dữ liệu của Quốc gia và các bộ, ngành. Hà Nội cũng phát triển dữ liệu số, duy trì hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số nội bộ thuộc các ngành, lĩnh vực: giáo dục, giao thông - vận tải, lao động, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính.

Hà Nội cũng đã thực hiện đối soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu lĩnh vực người có công, an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. Về số hóa dữ liệu hộ tịch, 19/30 quận, huyện đã số hóa với tổng số: 5.212.287 việc hộ tịch. Để bảo đảm triển khai các hoạt động giao dịch trên môi trường số, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hơn 61 nghìn chữ ký số đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; hơn 72 nghìn chữ ký số công cộng đã được cấp cho công dân Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thị Tuyến nhận định, đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy đã bước đầu đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó đã đưa các chỉ số về công tác chuyển đổi số của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để đạt được các mục tiêu của chuyển đổi số, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND chỉ đạo các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh để đáp ứng được mục tiêu là chuyển đổi số phải rút ngắn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc.

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội đứng đầu Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin. Còn theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam…
Đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Phúc Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động