Thứ bảy 23/11/2024 01:42

Mã QR - Covid đã làm xong nhiệm vụ, đến lúc cần dừng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, tại các địa điểm công cộng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đều yêu cầu người dân khai báo y tế và quét mã QR khi ra vào, đảm bảo kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có lẽ mã QR truy vết, phòng chống Covid-19 đã xong nhiệm vụ, đến lúc cần bãi bỏ, để xã hội hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường.
Mã QR - Covid đã làm xong nhiệm vụ, đến lúc cần dừng
Với tình hình phủ vắc-xin gần như đầy đủ ở các tỉnh thành hiện nay thì việc phải khai báo y tế hầu như là vô nghĩa khi “chúng ta đã xác định sống chung với dịch”. Ảnh: Khánh Huy

Nên dừng khi không còn phù hợp

Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng việc khai báo y tế khi đến các địa điểm công cộng hiện nay không còn cần thiết. Với tình hình phủ vắc-xin gần như đầy đủ ở các tỉnh thành hiện nay thì việc phải khai báo y tế hầu như là vô nghĩa khi “chúng ta đã xác định sống chung với dịch”.

Từ đầu năm 2022, khá nhiều địa điểm có bảo vệ nhắc thì người dân mới quét, nhưng quét xong có nhập thông tin thật không cũng không ai biết. Đặc biệt, các dữ liệu này đang được xử lý thế nào, nếu khai báo chưa chính xác thì sẽ thế nào và các thông tin này lưu trữ, bảo mật ra sao cũng không ai biết. Nhất là với các địa phương đã phủ vắc-xin đạt yêu cầu thì nên có cách thức, phương thức khác để quản lý dịch tốt hơn.

Rất nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cũng từng phân tích, việc khai báo y tế hiện nay chỉ mang tính chất hình thức ở cả hai phía, làm cho việc thu thập dữ liệu không có ý nghĩa. Phía người khai báo khai nhanh, khai cho hoàn thành theo mẫu. Phía người giám sát khai báo chỉ kiểm tra lại qua loa đại khái cho đúng quy định. Hệ thống thu thập dữ liệu cộng đồng cần nhập thông tin đầu vào chính xác nhưng hiện nay không làm được. Bên cạnh đó, việc truy vết F0 tại Hà Nội và các tỉnh không còn được làm mạnh như trước. Và để trả lời câu hỏi có cần thiết thu thập dữ liệu y tế hay không thì chỉ có cơ quan y tế trả lời được.

Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Bộ Y tế cũng đã giao Cục Y tế dự phòng sớm có hướng dẫn gửi tới các địa phương về vấn đề này. Mặc dù hiện chưa rõ thời điểm nào sẽ bỏ khai báo y tế... nhưng thông tin này đang nhận được sự quan tâm của dư luận, cộng đồng mạng ủng hộ và cho rằng đây là việc làm cần thiết. Qua đây, Việt Nam cũng sẽ từng bước tiến tới bình thường hóa sau dịch Covid-19. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không cần áp dụng khai báo y tế nội địa. Đặc biệt trong bối cảnh du lịch phục hồi, chúng ta không chỉ mở cửa du lịch nội địa, mà với khách quốc tế, cũng cần có cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Mã QR - Covid đã làm xong nhiệm vụ, đến lúc cần dừng
Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Bộ Y tế cũng đã giao Cục Y tế dự phòng sớm có hướng dẫn gửi tới các địa phương về vấn đề này. Ảnh: Khánh Huy

Trước đó, đánh giá tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới tại TP HCM có xu hướng ngày càng giảm, UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm ngưng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam. Chỉ yêu cầu người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe, sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) trong thời gian lưu trú. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, những quy định trong công tác phòng chống dịch, khi đã không còn phù hợp thì nên sớm được bãi bỏ.

Ngày 27/4, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới nhất, tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 0h ngày 27/4. Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, đã có vắc-xin phòng dịch đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng virus SARS-CoV-2 đang lưu hành. Trong thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả về số ca mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 0h ngày 27/4. Đồng thời, duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TPHCM, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Bãi bỏ việc khai báo y tế không có nghĩa là chủ quan, lơ là

Tuy nhiên, việc bãi bỏ việc khai báo y tế không có nghĩa là chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Bởi dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân cần chủ động các biện pháp để bảo vệ cho cá nhân cũng như gia đình mình. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ sắp tới, khi tham gia các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, tập trung đông người...

Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia cũng đã bãi bỏ quy định quét mã QR tại nơi công cộng. Ngày 27/4, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin tổ chức họp báo về những quy định mới trong phòng chống dịch Covid-19. Những quy định này được dựa trên 3 tiêu chí: Đeo khẩu trang, quét mã truy vết QR và xét nghiệm Covid-19.

Bộ trưởng Khairy cho biết sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng ngoài trời. Tuy nhiên, đây vẫn là yêu cầu bắt buộc tại các điểm công cộng như sân bay, xe buýt, nhà thờ, lớp học… Ngoài ra, cơ quan y tế vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện đông người để đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh Covid-19. Nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, những người có bệnh lý nền, chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và trẻ em tiếp tục phải sử dụng khẩu trang tại những nơi công cộng.

Mã QR - Covid đã làm xong nhiệm vụ, đến lúc cần dừng
Hiện, nhiều chính sách chống dịch đã được thay đổi so với trước đây. Ảnh: Khánh Huy

Đề cập đến quy định quét mã truy vết QR thông qua phầm mềm được cài đặt trên điện thoại di động MySejahtera trước khi vào nơi công cộng, Bộ trưởng Khairy cho biết quy định này cũng được dỡ bỏ.

Những điểm mới trong quy định về xét nghiệm Covid-19 tại Malaysia gồm những người nhiễm Covid-19 sẽ chỉ phải cách ly thêm 4 ngày, thay vì 7 ngày như trước đây nếu họ có kết quả âm tính. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tiếp tục cách ly 7 ngày. Những người đã hoàn thành tiêm chủng và trẻ em dưới 12 tuổi được miễn xét nghiệm trước khi lên máy bay, khi tham gia giao thông công cộng và khi nhập cảnh vào Malaysia. Những người chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ bắt buộc phải xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, du khách nhập cảnh sẽ buộc phải cách ly 5 ngày.

Việc bắt buộc mua bảo hiểm Covid-19 khi nhập cảnh sẽ được dỡ bỏ với tất cả du khách khi đến Malaysia. Mọi lĩnh vực kinh tế sẽ được hoạt động trở lại từ ngày 15/5, trong đó có các quán bar và vũ trường.

Tại Việt Nam, hiện chưa rõ thời điểm nào sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Từ khi Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng được đánh giá là hữu hiệu, còn gọi thông điệp 5K (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Thông điệp này hai năm qua không chỉ áp dụng tại Việt Nam mà phổ biến cả thế giới.

Hiện, nhiều chính sách chống dịch đã được thay đổi so với trước đây. Bộ Y tế đã điều chỉnh quy định, không cách ly F1, chỉ cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. F0 vẫn cần cách ly và có thể đi làm nếu thực sự cần thiết và tự nguyện.

Bộ Y tế cũng đang xác thực thông tin tiêm chủng với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để cấp hộ chiếu vắc-xin cho toàn dân. Đây là một bước nhằm mở cửa du lịch trong bối cảnh thích ứng Covid-19.

Người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19
Dỡ bỏ quy định xét nghiệm với người nhập cảnh vào Campuchia
Hơn 100 quốc gia được dỡ bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản
Tháo gỡ vướng mắc về khai báo y tế khi xuất nhập cảnh
Từ 27/4, người nhập cảnh vào Việt Nam không cần phải khai báo y tế
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động