Chủ nhật 24/11/2024 14:29

Chuyện người thầy nhặt rác về làm đồ dùng dạy học

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Rác thải có thể tái chế được không? Từ trăn trở đó, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã đi xin, gom rác thải về làm đồ dùng dạy học độc đáo, thu hút học trò…
Chuyện người thầy nhặt rác về làm đồ dùng dạy học
Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội)

Bảo tàng mi ni từ rác thải

Thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết (23 tuổi) là giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh sở hữu thành tích đáng nể là chứng chỉ Ngoại ngữ Quốc tế HSK3 Tiếng Trung và 14 công trình khoa học được đăng trên báo, tạo chí, Hội thảo, Sách ấn phẩm. Nhưng cái khiến người ta nhớ đến anh, đó là công việc rất… đặc biệt mà anh đã làm mấy năm gần đây.

3 năm nay, anh đã miệt mài thu thập phế liệu như giấy, xốp, chai nhựa... về chế ra những dụng cụ học tập độc đáo. Dưới bàn tay khéo léo của anh, rác đã trở thành những chiếc hộp bút xinh xắn, những mô hình bản đồ Việt Nam, sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ, mô hình lịch sử phát triển loài người…

Đồ dùng dạy học chế từ rác thải nhựa của anh đã được áp dụng tại trường trong các môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống…

Không dừng lại việc làm giáo cụ, năm 2021, anh Quyết đã xây dựng dự án "Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải” cho học sinh phổ thông. Không gian của bảo tàng giới thiệu văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống, các mô hình, sa bàn lịch sử, bản đồ, tranh ảnh, hình học. Tất cả đều được làm từ bìa các tông, ống hút nhựa, kẹo cao su, thùng xốp…

Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Quyết cho biết luôn nhìn thấy "tài nguyên rác" quanh mình như hộp nhựa, cốc nước mía… Ban đầu anh thường đem về chế thành các chậu cây nhỏ rồi tặng cho các trường mầm non làm đồ dùng giảng dạy cho học sinh. Ở trường học, anh thấy học sinh sử dụng rất nhiều chai nước nhựa, uống xong vứt luôn vào thùng rác… từ đó anh nảy ra ý tưởng giúp các em phân loại rác thải. Sau đó, anh tham vấn với ban giám hiệu để “chế biến” rác thải thành đồ dùng dạy học và được sử dụng vào các môn học trong trường.

“Ngày còn là sinh viên, bạn bè gọi mình là "Quyết đồng nát" bởi đi đâu cũng xin rác. Mình xin rất nhiều, đến nỗi một số người còn lời ra tiếng vào: "Hay là thiếu tiền, thầy thu gom rác để bán". Nhưng đến lúc mình hoàn thiện sản phẩm, đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ, cảm thấy rất thú vị", anh Quyết kể.

Chuyện người thầy nhặt rác về làm đồ dùng dạy học
Thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết vinh dự nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2022

Giáo dục lối sống xanh

Theo anh Quyết, ý tưởng “Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải" đã mang đến trải nghiệm và cảm xúc cho người học, tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh. Người xem sẽ được trải nghiệm và có cái nhìn thực tế từ những hình ảnh, vật thể sinh động tại bảo tàng; những bài học về lịch sử, địa lý… cũng được dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu hơn. Đặc biệt, bảo tàng còn lan tỏa lối sống xanh tới học trò.

Là Phó bí thư Đoàn trường, anh Quyết cũng có nhiều sáng kiến, phát động nhiều hoạt động xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Trong đó, có hoạt động "30 phút sạch trường, đẹp lớp" vào cuối mỗi buổi học chiều, để học sinh thu gom rác thải, trang trí không gian xanh; hoạt động trải nghiệm "ngày thứ bảy tái chế", “ngày chủ nhật xanh” với trồng cây, hoa trong khuôn viên nhà trường... Đặc biệt, ở cuối mỗi lớp học đều có thùng với dòng chữ "Tài sản của học sinh" để đựng rác có thể tái sử dụng, tái chế.

Anh Quyết cũng đã xây dựng quy trình tái chế rác, từ việc phân loại, để đúng nơi quy định; làm sạch bằng cách tẩy rửa, phơi khô và cất vào kho. Hễ môn học nào cần mô hình giảng dạy, là thầy và trò lại tìm tòi, định hình xem cần tái chế từ loại rác nào. Ví dụ về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, những chiếc xe tăng, các khẩu pháo, hầm Đờ Cát, đồi A1 đều được làm từ chai nhựa, giấy...

"Tôi rất vui vì việc tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là qua các hoạt động này, thầy và trò đã cùng chia sẻ và thực hiện ý thức, thái độ, hành vi về lối sống xanh cho cộng đồng”, anh Quyết chia sẻ.

PGS - TS Nguyễn Mạnh Hưởng, cố vấn Ban Giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: “Thầy Quyết là một trong những giáo viên trẻ của nhà trường đi tiên phong trong việc đưa mô hình dạy và học gắn liền với thực tiễn. Mô hình mà thầy Quyết đang vận dụng để giảng dạy môn giáo dục công dân, các thầy cô các môn học khác đều có thể sử dụng như môn lịch sử, địa lý…”.

Với tính thực tiễn và ý nghĩa mang lại, dự án "Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải” của anh Quyết đã đạt giải giải nhì tại cuộc thi "Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức. Đặc biệt, anh Quyết vinh dự nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức.

Hải Phòng: Phát huy năng lực tự học của học sinh thông qua Chuyên đề Dạy học môn Công nghệ lớp 3
Bộ GD&ĐT chỉ đạo đổi mới cách dạy, học môn Ngữ văn, khuyến khích các trường ra đề mở
Phát động cuộc thi "Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ nhất" năm 2022
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động