Thứ năm 04/07/2024 10:09

Chuyển đổi sang phương tiện xanh là nhiệm vụ, là mục tiêu của xe buýt Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, chuyển đổi sang phương tiện xanh là nhiệm vụ, là mục tiêu của xe buýt Hà Nội nhưng để làm được cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp, đặc biệt có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Hiện nay, Hà Nội có 269 phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: M.A
Hiện nay, Hà Nội có 269 phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Ảnh: M.A

Theo dự báo, đến năm 2035 Hà Nội sẽ có gần 11 triệu dân, khoảng 8,5 triệu chuyến đi/ngày và xe buýt sẽ phải đủ năng lực đáp ứng từ 28 - 30% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở GTVT Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, gồm: 128 tuyến buýt trợ giá; 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. 128 tuyến buýt trợ giá do 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện, đặc biệt trong đó 127 tuyến lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chỉ có 1 tuyến đặt hàng.

Toàn TP Hà Nội có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Tuy nhiên hệ thống nhà chờ xe buýt chỉ chiếm khoảng 8% tổng số hệ thống điểm đón, chủ yếu tập trung trong nội thành và đã xuống cấp.

TP Hà Nội hiện có 2.279 xe buýt nhưng mới chỉ có 269 phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện và khí nén CNG); trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải EuroIV trở lên. Tuổi đời hoạt động bình quân của xe buýt Hà Nội là dưới 4 năm, 31% đã vận hành trên 5 năm.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng. Phải đến cuối năm 2022, hệ thống xe buýt mới gượng lại được.

Hiện xe buýt đã tăng trưởng đều về số lượng hành khách nhưng sau đại dịch COVID-19, thói quen đi lại của người dân đã thay đổi, sử dụng nhiều xe cá nhân hơn, ít đi lại hơn… Đó là hệ lụy nặng nề nhất khiến lượng khách của xe buýt sụt giảm.

“Đứng trước những khó khăn chồng chất, Sở GTVT Hà Nội đã có những nỗ lực vượt mức, nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ đã được thực hiện quyết liệt để chặn đà giảm, kéo hành khách trở lại với xe buýt” – ông Nguyễn Phi Thường cho hay.

Ông Nguyễn Phi Thường cho biết, sau hàng loạt giải pháp cấp thời, sản lượng hành khách của xe buýt Hà Nội đã gia tăng, chất lượng dịch vụ được người dân đánh giá đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn nội tại và những áp lực rất lớn từ bên ngoài, khiến mạng lưới xe buýt Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, chuyển đổi sang phương tiện xanh là nhiệm vụ, là mục tiêu của xe buýt Hà Nội nhưng để làm được cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp, đặc biệt có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Theo các chuyên gia giao thông, thời gian tới, cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt, trong đó đặc biệt cần tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến đường có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15m trở lên. Hệ thống điểm dừng, nhà chờ của xe buýt cũng cần tái thiết lại theo hướng hình thành nhiều điểm trung chuyển lớn, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị và các bến xe liên tỉnh.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản phát triển cho xe buýt, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện tại nhằm giảm chồng chéo, trùng lặp, tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân. Xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt làm cơ sở lựa chọn đơn vị cung ứng. Hiện Hà Nội đã có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về phương tiện, nhân sự, hạ tầng, thông tin quản lý, điều hành… cho xe buýt.

Ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, Sở GTVT đã xây dựng điểm trung chuyển xe buýt kết hợp nhà ga đường ga đường sắt đô thị tại Cầu Giấy. Đây sẽ là hình mẫu để rút kinh nghiệm, áp dụng cho các điểm trung chuyển đa phương thức khác trong hệ thống xe buýt Thủ đô.

Hà Nội có thêm tuyến xe buýt Công viên Nghĩa Đô - Đại học Quốc gia Hà Nội (cơ sở Hòa Lạc)
Hà Nội: tăng tính kết nối giữa xe buýt và đường sắt đô thị
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động