Thứ sáu 28/06/2024 03:42

Cân nhắc hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những chính sách thật phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu cho rằng, khi thiết kế chính sách xử lý phải tính toán đầy đủ các đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên cũng như phải cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến các cháu phạm tội để có những biện pháp, có những chính sách thật phù hợp.
Cân nhắc hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những chính sách thật phù hợp
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Cân nhắc hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những chính sách thật phù hợp

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá dự thảo đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, nhưng cũng nhân văn để mở đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng.

Đại biểu tán thành với việc ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên với phạm vi điều chỉnh phải bao gồm hình phạt và tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, khi thiết kế chính sách xử lý phải tính toán đầy đủ các đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên cũng như phải cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến các cháu phạm tội để có những biện pháp, có những chính sách thật phù hợp.

Nữ đại biểu phân tích, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt. Đại biểu cho rằng, tỷ lệ lớn người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình rất éo le, là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của các cháu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ dẫn, trong tháng 3 vừa qua, Ủy ban Tư pháp tổ chức khảo sát tại 3/3 trường giáo dưỡng trên cả nước và tại đây, điều khiến đại biểu day dứt nhất là hoàn cảnh gia đình của các cháu. Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ dẫn, số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố, mẹ ly hôn, ly thân; bố, mẹ phạm tội hoặc mồ côi cha, mẹ, v.v. chiếm tỷ lệ rất lớn, trường tại Đà Nẵng có 42% và trường tại Đồng Nai có tới 64%, nhiều cháu đã 16-17 tuổi nhưng học cả tuần vẫn chưa viết nổi họ tên của mình, nhiều cháu đã vào trường đến 9 tháng nhưng chưa có người thân đến thăm, hỏi ra mới biết bố cháu mất sớm, còn mẹ đang đi xuất khẩu lao động.

“Chúng tôi thầm nghĩ, giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, giá như các cháu có một mái ấm gia đình đầy đủ mẹ cha thì có lẽ các cháu đã không phạm phải những sai lầm như ngày hôm nay” - đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đặt câu hỏi.

Cân nhắc hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những chính sách thật phù hợp
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quốc hội

Còn đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, có ý cho rằng hầu hết các vụ án trong thời gian qua và gần đây là do vị thành niên gây ra. Điều này theo đại biểu là không sai nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng toàn diện.

Theo đại biểu, một trong những lý do đã được đại biểu Thủy, Đoàn Bắc Kạn đã phân tích rất sâu sắc.

“Tôi đặt vấn đề ở đây là ai và chủ thể nào đã tác động, góp phần gián tiếp đẩy các cháu vào hoàn cảnh này. Có phải chăng một phần trách nhiệm của gia đình, xã hội và đâu đó cả môi trường giáo dục và điều này các đại biểu trước tôi cũng đã nêu” - đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu.

Đại biểu Dương Khắc Mai tiếp tục dẫn, một số thông tin thời gian gần đây trên các báo có uy tín về tình hình ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ chiếm 25%. Tức là cứ 4 cặp đăng ký kết hôn có 1 cặp ly hôn.

“Điều này làm cho những người làm cha, làm mẹ có thể nói là đau đớn, tan nát cõi lòng, con trẻ thì bơ vơ, tổn thương và dễ bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến phạm tội. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc việc chuyển hướng hay là tách dự án để đảm bảo cho các chủ thể về quyền lợi và trách nhiệm…”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đồng thời, đại biểu mong Quốc hội xem xét một cách kỹ lưỡng, đồng thời khẳng định, dự thảo Luật không những là phù hợp mà xây dựng luật này còn hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng

Còn theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng việc người chưa thành niên tiếp xúc với thủ tục tố tụng hình sự chính thức có thể dẫn đến việc lặp lại các chu kỳ phạm tội. Người ta cũng thừa nhận rằng một số biện pháp hình sự đối với hành vi phạm tội, chẳng hạn như bắt giam, phạt tù có thể thúc đẩy hơn nữa tội phạm và nhiều quan điểm của học giả phương Tây cho rằng nhà tù là trường đại học của tội phạm, vì cho phép người phạm tội học hỏi nhiều hơn các mánh khóe và kỹ năng phạm tội cũng như duy trì mạng lưới phạm tội sau này. Điều này có thể đặc biệt đúng đối với trẻ vị thành niên do còn non nớt nên dễ bị ảnh hưởng của bạn bè và những thói hư, tật xấu.

Do đó, các hệ thống tư pháp hình sự riêng biệt, trại giam riêng dành cho người chưa thành niên đã được thiết lập tại rất nhiều quốc gia, một phần cũng là do nhu cầu ngăn chặn người chưa thành niên bị ảnh hưởng bởi những người phạm tội người lớn. Chính vì thế, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị dự án luật tư pháp người chưa thành niên của Tòa án nhân dân tối cao phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội .

Cân nhắc hoàn cảnh dẫn đến phạm tội để có những chính sách thật phù hợp
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng, về quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng sẽ bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người lớn.

Việc triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho người chưa thành niên là rất lớn. Về lâu dài sẽ tiết kiệm được kinh phí so với việc tất cả các trại giam trên toàn quốc đều phải đầu tư khu giam giữ riêng cho người chưa thành niên. Trong khi số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, trình độ học vấn khác nhau sẽ khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề và khó đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của người chưa thành niên.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định thời điểm hiệu lực thi hành đối với các nội dung này muộn hơn, có thể là 03 năm sau khi Quốc hội thông qua luật này để chuẩn bị các điều kiện về đất đai, xây dựng trại, bố trí cơ sở vật chất của trại giam để tổ chức thi hành luật được tốt.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hà, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng là chính sách mới phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa niên. Việc quy định người chưa thành niên giam giữ ở trại giam riêng để tạo điều kiện cho người chưa thành niên được học tập, giáo dục và cải tạo được tốt hơn.

Xây dựng hệ thống đường sắt Thủ đô đủ khả năng kết nối giao thông với các đô thị vệ tinh Xây dựng hệ thống đường sắt Thủ đô đủ khả năng kết nối giao thông với các đô thị vệ tinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: quy hoạch Thủ đô có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: quy hoạch Thủ đô có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động