Chủ nhật 30/06/2024 10:44

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với 463 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 92,57%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Chiều 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Quốc hội

Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 463 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,27%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 26/06/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 896/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với đấu giá biển số xe, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của việc đấu giá biển số xe cũng như sự thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với đấu giá tín chỉ các - bon, dự thảo Luật đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai, trong đó có tín chỉ các - bon. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các - bon để có cơ sở đưa loại tài sản này ra đấu giá theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Tiếp tục nghiên cứu việc giảm thời gian đào tạo nghề đối với các đối tượng được miễn

Về hành vi bị nghiêm cấm, UBTVQH xin tiếp thu và chuyển quy định tại Điều 39 về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác vào điểm d2 khoản 2 Điều 9 như tại dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc bỏ quy định nghiên cứu giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với các đối tượng được miễn của Luật hiện hành và bổ sung các đối tượng khác có liên quan. UBTVQH cho rằng, tại Báo cáo số 842/BC-UBTVQH15 và hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã có giải trình và đánh giá về việc bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng như: luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.

Ngoài ra, trong thực tế thời gian đào tạo 03 tháng là không đủ để trang bị các kiến thức, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi đánh giá, tổng kết sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc giảm thời gian đào tạo nghề đối với các đối tượng được miễn đào tạo tại Điều 12 của Luật hiện hành và các đối tượng khác có liên quan (nếu có), bảo đảm phù hợp và khả thi.

Tiếp thu ý kiến đại biểu về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, UBTVQH chỉnh lý rõ hơn quy định theo hướng đối với tài sản thuộc sở hữu cá nhân thì các bên có quyền lựa chọn hoặc thỏa thuận áp dụng hay không áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản.

Quy định về tiền đặt trước thuộc trình tự, thủ tục đấu giá

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, UBTVQH xin báo cáo làm rõ thêm, việc quy định cứng mức tiền đặt trước 20% như quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hiện nay đang bộc lộ hạn chế, vướng mắc.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 125 của Luật Đất đai năm 2024, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Vì vậy, quy định về tiền đặt trước thuộc trình tự, thủ tục đấu giá nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, còn việc đưa tài sản ra đấu giá theo lô hay từng tài sản độc lập là do người có tài sản đấu giá quyết định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để tăng cường tính rõ ràng, minh bạch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 về một trong những nội dung chính của Quy chế cuộc đấu giá bao gồm: “Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản độc lập, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;”.

Theo đó, đối với từng cuộc đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản sẽ ban hành Quy chế cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản, trong đó phải xác định rõ việc đấu giá tài sản theo lô hay tách tài sản độc lập; đồng thời, phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, bảo đảm rõ ràng, minh bạch để mọi đối tượng có thể tiếp cận thông tin về cuộc đấu giá, từ đó quyết định đăng ký tham gia cuộc đấu giá hay không.

Xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá

Đối với quy định về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, UBTVQH làm rõ thêm, dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 02 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Đề xuất của ĐBQH về việc “người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn” là xác đáng. Tuy nhiên, việc bảo đảm tính khả thi khi áp dụng cần phải được nghiên cứu, đánh giá. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở tiếp thu khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản.

Không đưa thuốc kê đơn vào danh mục bán thuốc online Không đưa thuốc kê đơn vào danh mục bán thuốc online
Quốc hội thông qua quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện Quốc hội thông qua quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động