Cần khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận |
Tiếp tục kế thừa, phát huy kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.
Đại biểu phân tích thêm, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao ủy quyền cho hợp tác xã trong thực hiện các dịch vụ công như hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, đồng thời, cũng cần tăng cường năng lực của Liên minh hợp tác xã để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng này.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đề nghi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo khung khổ pháp luật thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển hợp tác xã ở nước ta, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý chung; kế thừa tối đa các quy định còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại phiên thảo luận |
Bên cạnh đó, cần khắc phục những bất cập hiện hành, tạo khuôn khổ pháp luật cụ thể cho tất cả các loại hình kinh tế tập thể hoạt động trong các lĩnh vực, ngành, nghề; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, gắn với hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng bao trùm; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
Tiếp đó, các quy định cần hướng đến đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã; từng bước sáp nhập các hợp tác xã để tăng quy mô, thành lập các Liên hiệp hợp tác xã, tập đoàn kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.
Hướng tới xóa bỏ “tiền kiểm” và tăng cường “hậu kiểm”
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên người lao động trong hợp tác xã nhận được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế của các hộ thành viên.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Tuy nhiên, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật cho thấy phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Góp ý về chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với hợp tác xã.
Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Chỉ rõ, dự thảo Luật chưa quy định rõ vốn và tài sản không không chia là thuộc sở hữu tập thể của hợp tác xã, hợp tác xã có quyền sử dụng, định đoạt trong các giao dịch kinh tế mà chủ thể này xác lập theo quy định của Điều lệ và pháp luật về hợp tác xã. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định vấn đề này vào Luật; đồng thời đề nghị quy định rõ về tổ chức có quyền thẩm định giá; quy định rõ việc chuyển nhượng vốn góp giữa thành viên chính thức và thành viên liên kết không góp vốn để trở thành viên chính thức; cân nhắc và bổ sung quy định hình thức huy động vốn tín dụng nội bộ trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến |
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật quan trọng này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần hướng tới xóa bỏ “tiền kiểm” và tăng cường “hậu kiểm”, khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua; tạo cơ chế phù hợp với quy định cụ thể, rõ ràng để hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập, hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng cần cụ thể hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu với các nhóm chính sách cụ thể như phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gồm phát triển thành viên; hợp tác xã chuyển đổi từ tổ hợp tác; phát triển hợp tác xã quy mô lớn, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị chủ lực quốc gia, vùng miền địa phương; kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu, trang thiết bị bảo quản, chế biến, tham gia hoạt động nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia.
Thêm vào đó, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã và quy định khác của pháp luật có liên quan; xếp loại hợp tác xã từ mức trung bình trở lên; báo cáo kiểm toán nội bộ không quá 12 tháng đến thời điểm đề xuất hỗ trợ; thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh.
Để tăng nguồn nội lực cho hợp tác xã | |
Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã | |
Hà Nội: Tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại