Để tăng nguồn nội lực cho hợp tác xã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong những năm qua, tỷ lệ HTX tham gia vào chuỗi giá trị tăng đều hàng năm nhưng còn ở mức thấp (Người dân chăm sóc rau tại HTX rau sạch Đông Cao, huyện Mê Linh - ảnh:Văn Biên) |
Chưa đến 10% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, cả nước có 26.040 HTX, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Trong đó, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước). Khu vực kinh tế hợp tác, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
Tuy nhiên, qua đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, hoạt động của HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn tồn tại. Thực tế còn nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm. Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp khoảng 15.200 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản 871 triệu đồng. Nếu so với số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2013 khoảng 702 triệu đồng/HTX thì thấy quá trình tích lũy vốn của HTX nông nghiệp diễn ra còn chậm. Bên cạnh đó, số lượng thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp nhỏ và có xu hướng giảm dần. Chính việc quy mô nhỏ, vốn thấp gây nhiều khó khăn cho HTX trong việc mở rộng hoạt động và phát triển hoạt động mới và trong việc đối ứng để tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước. Vốn ít và tích lũy vốn chậm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiếp cận vốn tín dụng của HTX nông nghiệp.
Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các DN. Đồng thời giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch Covid-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.
Nhiều giải pháp trọng tâm
Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù trong những năm qua, tỷ lệ HTX tham gia vào chuỗi giá trị tăng đều hàng năm nhưng còn ở mức thấp. Nhiều HTX có liên kết chuỗi giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm tham gia liên kết rất thấp, tỷ lệ HTX có hoạt động sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm còn thấp. Chưa đến 10% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị gia tăng cho thành viên và HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, để hỗ trợ các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có thể “chống chọi” và vững vàng trước đại dịch cũng như những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. Trong đó, đề xuất xây dựng Quỹ bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị và vay vốn tín dụng. Bảo hiểm nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho các cây trồng thuộc đề án vùng nguyên liệu chủ lực của quốc gia trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, sản phẩm chủ lực của địa phương để giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu được bền vững, giảm rủi ro cho nông dân, DN và toàn ngành Nông nghiệp...
Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khóa với lãi suất thấp (3%/năm). Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận gói tín dụng ưu đãi để trả lượng ngưng việc đối với người lao động làm việc trong HTX. Vay vốn để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới... “Đây chính là giải pháp nhằm tăng nguồn nội lực cho HTX vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho xã viên, nông dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch Covid-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại