Thứ bảy 23/11/2024 14:10

Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trách nhiệm hàng đầu của mỗi quốc gia khi ký kết, gia nhập Công ước Chống tra tấn là phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn và các hành vi trừng phạt, đối xử vô nhân đạo. Tuy nhiên, khi có bằng chứng để kết luận rằng hành vi tra tấn đã diễn ra thì quốc gia đó phải thực hiện bồi thường thiệt hại, đền bù xứng đáng cho nạn nhân và thành viên gia đình họ.
Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn. Ảnh minh họa
Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn. Ảnh minh họa

Đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn

Điều 13 Công ước ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn này như sau: Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia đó đều có quyền khiếu nại và các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét một cách kịp thời và công bằng khiếu nại đó. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp đảm bảo cho người khiếu nại và các nhân chứng được bảo vệ khỏi sự ngược đãi hoặc đe doạ do việc khiếu nại hoặc cung cấp chứng cứ.

Theo quy định nói trên, quyền khiếu nại, tố cáo ở đây gồm 4 nội dung chủ yếu sau: Mọi người đều có quyền được gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền; Các khiếu kiện cần được các cơ quan này xem xét, giải quyết một cách nhanh chóng, vô tư; Bản thân người khiếu nại và nhân chứng phải được bảo vệ; Nhà nước không được phép ngược đãi hay đe doạ người khiếu nại và nhân chứng.

Thống nhất với quy định tại Điều 13 Công ước Chống tra tấn, các quy tắc, chuẩn mực của Liên hợp quốc trong việc đối xử với những người bị tước tự do cũng quy định về quyền được khiếu nại, tố cáo của các đối tượng này nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Chẳng hạn như:

Các quy tắc chuẩn mực tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955 khẳng định tù nhân cần được cung cấp thông tin về các quy định liên quan đến đối xử với tù nhân, về các biện pháp để tìm kiếm thông tin và gửi khiếu kiện. Văn kiện này quy định rõ, mỗi tuần một lần, tù nhân được phép gửi đề nghị hoặc khiếu kiện cho giám thị hoặc cho người được uỷ quyền đại diện cho mình. Các đề nghị, khiếu kiện này cần được xem xét giải quyết và trả lời nhanh chóng (Quy tắc 35. Quy tắc chuẩn mực tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955).

Nguyên tắc số 33 Tập hợp các nguyên tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ mọi người dưới mọi hình thức giam giữ hay tù giam năm 1998 nêu rõ, những người bị giam giữ, phạm nhân, luật sư, thành viên gia đình họ hay bất kỳ ai biết về tình trạng của họ đều có quyền yêu cầu cải thiện điều kiện đối xử, hoặc khiếu nại về điều kiện đối xử đối với họ, đặc biệt là khiếu nại liên quan đến tra tấn, đối xử vô nhân đạo. Nếu yêu cầu hay khiếu nại đó bị cơ quan quản lý trại giam từ chối thì tiếp tục có quyền khiếu kiện lên một cơ quan tư pháp hay một cơ quan khác có thẩm quyền.

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị tra tấn

Trách nhiệm hàng đầu của mỗi quốc gia khi ký kết, gia nhập Công ước là phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tra tấn và các hành vi trừng phạt, đối xử vô nhân đạo. Tuy nhiên, khi có bằng chứng để kết luận rằng hành vi tra tấn đã diễn ra thì quốc gia đó phải thực hiện bồi thường thiệt hại, đền bù xứng đáng cho nạn nhân và thành viên gia đình họ. Nghĩa vụ này đã được cụ thể hóa tại Điều 14 của Công ước như sau:

Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng trong hệ thống pháp luật quốc gia nạn nhân của mọi hành vi tra tấn được bồi thường và có quyền yêu cầu bồi thường tương xứng và công bằng, bao gồm cả những biện pháp để được phục hồi hoàn toàn ở mức tối đa có thể. Trong trường hợp nạn nhân bị chết do hành động tra tấn, những người phụ thuộc của nạn nhân phải được quyền nhận bồi thường.

Quy định tại Điều này không ảnh hưởng đến quyền được bồi thường của nạn nhân hoặc của những người khác theo quy định của pháp luật quốc gia”.

Nghĩa vụ đền bù, bồi thường cho các cá nhân bị xâm phạm quyền cũng được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người, nguyên tắc và chuẩn mực đối xử với người bị tước tự do, phòng, chống tra tấn khác, chẳng hạn như: Công ước ICCPR, Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ những người dưới mọi hình thức giam, giữ; Các nguyên tắc về điều tra và lập tư liệu đầy đủ về hành vi tra tấn và hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Tuyên bố về những Nguyên tắc tư pháp cơ bản đối với nạn nhân của hành vi phạm tội và sự lạm dụng quyền lực; Các nguyên tắc cơ bản và Hướng dẫn về quyền có biện pháp giải quyết và bồi thường cho nạn nhân của các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế…

Theo Công ước và các điều ước quốc tế liên quan thì việc thực hiện quyền bồi thường có hiệu quả cho nạn nhân phải bao gồm cả những thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nạn nhân dưới các hình thức như: hoàn trả (khôi phục lại tình trạng giống với trước khi bị bắt), bồi thường (cho mọi thiệt hại có thể đánh giá được về kinh tế kể cả về thể xác và tinh thần một cách công bằng và đầy đủ), phục hồi chức năng (về sức khoẻ, tâm lý và các dịch vụ pháp lý, xã hội), bồi thường thoả đáng (bao gồm cả việc công bố sự thật, xin lỗi chính thức công khai...) và đảm bảo không để tái phạm.

Để thực hiện việc đền bù, bồi thường cho nạn nhân của hành vi tra tấn, quốc gia cần đảm bảo có biện pháp khắc phục hiệu quả bao gồm cả khắc phục về pháp lý và hành chính như có thể thông qua cơ quan nhân quyền quốc gia, uỷ ban bồi thường, uỷ ban hoà giải...

Cần lưu ý rằng phạm vi áp dụng của Điều 14 không chỉ dừng lại đối với nạn nhân tra tấn mà còn cả nạn nhân của các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo khác như quy định tại Điều 16. Nghĩa vụ này của các quốc gia thành viên Công ước Chống tra tấn đã được khẳng định trong vụ Hajrizi Dzemajl kiện Nam Tư, theo đó, Ủy ban chống tra tấn giải thích rằng, các quốc gia thành viên cần thực hiện nghĩa vụ tích cực của mình thông qua việc bồi thường một cách công bằng và hiệu quả cho cả những nạn nhân của hành vi đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.

Các quốc gia thành viên có trách nhiệm đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý
Đảm bảo về giáo dục và thông tin đầy đủ đối với việc ngăn cấm tra tấn
Những lời khai là kết quả của hành vi tra tấn sẽ không được sử dụng làm chứng cứ
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động