Đảm bảo về giáo dục và thông tin đầy đủ đối với việc ngăn cấm tra tấn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐảm bảo về giáo dục và thông tin đầy đủ đối với việc ngăn cấm tra tấn. Ảnh minh họa |
Nghĩa vụ tuyên truyền chống tra tấn
Đảm bảo về giáo dục và thông tin đầy đủ đối với việc ngăn cấm tra tấn bao gồm cả việc đào tạo đội ngũ nhân viên thực thi pháp luật, dân sự hoặc quân sự, các nhân viên y tế, các quan chức nhà nước và những người khác có thể tham gia vào việc giam giữ, thẩm vấn và tiếp xúc với các cá nhân bị tước tự do dưới mọi hình thức là một phương thức hiệu quả, lâu dài để phòng, chống tra tấn và dần đi đến loại bỏ hành vi này. Theo Điều 10 Công ước Chống tra tấn, các thành viên phải đưa quy định cấm tra tấn vào nguyên tắc, chỉ dẫn về nhiệm vụ và chức năng của những người này, cụ thể là:
“1. Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng việc nghiêm cấm hành vi tra tấn phải được phổ biến và tuyên truyền đầy đủ trong các chương trình đào tạo nhân viên thực thi pháp luật, dân sự hoặc vũ trang, nhân viên y tế, các nhân viên công quyền và những người khác có thể liên quan đến việc bắt giữ, thẩm vấn hay xử lý đối với các cá nhân chịu bất cứ hình thức bắt, giam giữ hoặc phạt tù nào.
2. Mỗi quốc gia thành viên phải đưa lệnh cấm này vào các quy tắc hoặc hướng dẫn về chức năng và nhiệm vụ của những người nêu trên”.
Điều khoản này khẳng định các quốc gia thành viên phải bảo đảm giáo dục, tuyên truyền đến tất cả các cá nhân, tổ chức về bảo vệ và đối xử nhân đạo đối với tù nhân. Đối tượng được giáo dục, tuyên truyền không chỉ bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật, mà còn bao gồm tất cả các cán bộ liên quan trong quá trình tố tụng hình sự, những người chịu trách nhiệm đối với những người bị giam giữ hành chính và các hình thức bị tước tự do khác.
Những đối tượng này là những người có vai trò quyết định quan trọng đến việc có hay không xảy ra hành vi tra tấn trong thực tiễn. Nếu công tác giáo dục tuyên truyền có hiệu quả, bản thân họ có nhận thức đầy đủ về hành vi tra tấn và hậu quả của nó thì trong quá trình thi hành nhiệm vụ họ sẽ có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chống tra tấn...
Chẳng hạn như, nhân viên y tế tại cơ sở giam giữ một mặt phải có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho những người bị giam giữ, mặt khác trong quá trình làm việc họ có thể phải đối mặt đối với những nạn nhân bị tra tấn. Trong những trường hợp như vậy, nhân viên y tế cần phải có sự công tâm của người thầy thuốc trong việc chăm sóc các tổn thương thể chất, tinh thần của bệnh nhân và khả năng phát hiện ra các dấu vết làm cơ sở, chứng cứ quan trọng cho việc truy tố hành vi tra tấn của người vi phạm nếu có.
Khoản 2 Điều này yêu cầu quốc gia thành viên phải đưa ngay việc cấm hành vi tra tấn vào trong các quy tắc hay chỉ dẫn liên quan tới nhiệm vụ và chức năng của cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự, quân sự, y tế, nhân viên công quyền, những người có thể tham gia vào việc giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử khác với bất kỳ một cá nhân đang bị bắt giữ, giam cầm theo bất kỳ hình thức nào. Đây được coi là nghĩa vụ bắt buộc và đặc biệt quan trọng, để họ ý thức đầy đủ về trách nhiệm và chấp hành nghiêm chỉnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Bảo đảm quyền của người bị bắt, giam giữ
Một trong những biện pháp cơ bản nhất để phòng ngừa hành vi tra tấn chính là việc bảo đảm cho người bị bắt, giam giữ được tôn trọng các quyền hợp pháp của mình. Điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 11 của Công ước, cụ thể như sau:
“Nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn, mỗi quốc gia thành viên phải quy định một cách có hệ thống những nguyên tắc, chỉ thị, phương pháp và thông lệ cũng như việc bố trí giam giữ và đối xử với những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam hay phạt tù trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán quốc gia”.
Theo quy định của Điều 11, quốc gia thành viên cần phải xem xét, đảm bảo thực thi hiệu quả một cách hệ thống các quy tắc, hướng dẫn và biện pháp thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai), cũng như việc bố trí giam giữ và đối xử với những người tước tự do dưới bất kỳ hình thức nào (bắt giữ, tạm giam, phạt tù…) trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán của mình nhằm ngăn chặn sự tra tấn cũng như các hình thức đối xử tàn tệ, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm hoặc trừng phạt khác.
Liên hợp quốc có nhiều nguyên tắc và chuẩn mực liên quan đến đối xử với người bị giam giữ. Các nguyên tắc và chuẩn mực này là hướng dẫn cho các quốc gia thành viên Công ước Chống tra tấn trong nghiêm cấm và phòng ngừa tra tấn. Do đó, các quốc gia thành viên Công ước Chống tra tấn được yêu cầu phải đảm bảo các nguyên tắc, chuẩn mực này, trong đó có Các nguyên tắc mang tính chuẩn mực tối thiểu đối với tù nhân (1957, 1977), Nguyên tắc cơ bản trong đối xử với tù nhân (1988), Các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do (1990), Các nguyên tắc về y đức liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc trong bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ khỏi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (1982), Bộ quy tắc ứng xử của nhân viên thực thi pháp luật (1979), Việc sử dụng vũ lực và vũ khí cầm tay của nhân viên thực thi pháp luật (1990), Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (1990), Các nguyên tắc chuẩn mực tối thiểu của Liên hợp quốc về các biện pháp phi giam giữ (Nguyên tắc Tokyo, 1990), Nguyên tắc chuẩn mực tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp cho người chưa thành niên (Nguyên tắc Bắc Kinh, 1990).
Theo các nguyên tắc và chuẩn mực này, tất cả những người bị giam giữ sẽ được tôn trọng đối xử đúng giá trị và nhân phẩm vốn có của họ; ngoài việc bị giam giữ - thể hiện sự giới hạn quyền tự do thân thể, tất cả các tù nhân phải được duy trì quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác được nêu trong bản Tuyên bố chung về nhân quyền và các công ước quốc tế về quyền con người khác.
Các quốc gia cần phải có cơ chế để bảo đảm việc xét xử các tội phạm về tra tấn | |
Các quốc gia thành viên có trách nhiệm đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại