Bị lừa vì không nắm rõ quy định cấp phép xuất khẩu quặng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Thuận tại tòa. |
Theo cáo trạng, anh V.H là Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vũ Minh Hoàng (Cty Vũ Minh Hoàng), chuyên kinh doanh lĩnh vực mua, bán, xuất khẩu khoáng sản.
Tháng 3/2022, Cty Vũ Minh Hoàng có nhu cầu cấp phép xuất khẩu khoáng sản quặng titan ilmenit. Do mới hoạt động trong lĩnh vực này nên anh H không nắm rõ các quy định nên tìm đến người quen là anh N.Đ.D nhờ giúp đỡ. Sau đó, Anh D trao đổi với Phạm Văn Thuận giới thiệu mối quan hệ xin giấy phép cho Cty Vũ Minh Hoàng và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ hải quan.
Thuận đồng ý và liên hệ với luật sư nhờ tư vấn. Luật sư đã trao đổi và Thuận biết thông tin việc xuất khẩu quặng titan không cần xin cấp phép của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bị cáo giấu việc này và nói với anh D là có khả năng “chạy” giấy phép của Bộ Công Thương với chi phí khoảng 100.000 USD trong thời hạn 1 tháng. Sau đó, Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ làm hồ sơ dịch vụ hải quan với chi phí thỏa thuận.
Tin tưởng Thuận, anh D đã ký hợp đồng dịch vụ với Cty Vũ Minh Hoàng với chi phí 3 tỷ đồng xin phê duyệt phương án xuất khẩu quặng titan và 10.000 USD hỗ trợ làm hồ sơ dịch vụ hải quan. Anh H chuyển tạm ứng cho anh D 500 triệu đồng để chuyển cho Thuận xin giấy phép.
Khoảng đầu tháng 4/2022, Thuận soạn công văn nội dung Cty Vũ Minh Hoàng gửi Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) xin hướng dẫn thủ tục xuất khẩu quặng titan rồi đưa cho anh D để anh H ký đóng dấu DN. Khi đó, anh H thắc mắc trong công văn không có nội dung nêu Cty Vũ Minh Hoàng được phép xuất khẩu quặng nên yêu cầu anh D đưa nội dung này vào công văn. Anh D trao đổi lại với Thuận.
Thuận vẫn hứa hẹn với anh D sẽ xin lại được công văn theo yêu cầu trên. Sau khi nhận lại văn bản từ Cty Vũ Minh Hoàng, Thuận lên mạng xã hội facebook tìm đối tượng không quen biết để làm giả công văn của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương về việc “cho phép công ty xuất khẩu quặng titan…”. Thuận mang công văn giả trên đi chứng thực thêm 2 bản.
Đến ngày 28/4/2022, bị cáo giao lại công văn trên cho anh D và anh H. Do tin tưởng công việc sẽ suôn sẻ, anh H chuyển cho anh D thêm 2,3 tỷ đồng. Anh D đã chuyển cho Thuận hơn 1,5 tỷ đồng và giữ lại hơn 800 triệu đồng.
Đến đầu tháng 8/2022, Thuận tiếp tục trao đổi với anh D về việc hoàn thiện hồ sơ hải quan với chi phí 1 tỷ đồng. Để anh H tin là thật, Thuận nhắn tin cho anh H thông báo sẽ cùng với cán bộ hải quan đến kho hàng của Cty Vũ Minh Hoàng tại Bình Thuận để kiểm tra, lấy mẫu khoáng sản đi kiểm nghiệm làm hồ sơ.
Thuận yêu cầu anh H phải chuyển thêm 500 triệu đồng. Anh H đã đồng ý chuyển số tiền trên. Thực chất, Thuận đã nhờ luật sư đến kho hàng để lấy mẫu rồi tìm Cty/viện nghiên cứu để giám định chất lượng khoáng sản.
Tuy không có cơ sở nào đồng ý giám định nhưng Thuận vẫn nói với anh H về việc đang đợi các đơn vị trả lời kết quả giám định và hứa hẹn đến cuối tháng 8/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ hải quan.
Đến thời hạn cam kết, Thuận nói lô hàng trên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên không làm được hồ sơ xuất khẩu. Anh H yêu cầu anh D và Thuận trả lại số tiền trên nhưng bị cáo không thực hiện. Qua tìm hiểu anh H mới biết công văn mà Thuận đưa là giả. Ngày 11/4/2023, anh H gửi đơn đến cơ quan CA tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thuận.
Qua điều tra, cơ quan chức năng ghi nhận anh D hoàn toàn tin tưởng Thuận, không có nội dung anh này bàn bạc với Thuận về việc làm giả công văn của Cục Công nghiệp. Sau khi biết Thuận không thực hiện được công việc, anh D đã trả lại cho anh H hơn 800 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, Phạm Văn Thuận đã chiếm đoạt của anh H hơn 2 tỷ đồng và đã khắc phục toàn bộ thiệt hại. Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Văn Thuận 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 18 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tổng hợp hình phạt là 9 năm tù.
Hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, đưa người trái phép sang Campuchia |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại