Chủ nhật 05/05/2024 14:05

Bệnh án tâm thần giả cùng nơi điều trị thật - “bùa hộ mệnh” cho tội phạm thoát tội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ vụ việc bác sĩ bệnh viện giúp kẻ phạm tội làm bệnh án tâm thần giả được xét xử vào năm 2019 những tưởng lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 rút ra nhiều bài học trong công tác quản lý nhân viên, bệnh nhân. Nhưng không, việc bệnh nhân ung dung mở “phòng bay lắc” ngay trong bệnh viện cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý. Câu hỏi đặt ra ở đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có phải là nơi dung túng, bao che cho loại tội phạm về hình sự, ma tuý…

Nơi chữa trị bị biến thành nơi ăn chơi

Tối 1-4, Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 4 người khác gồm Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi) về các tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Riêng Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm.

Theo điều tra, Quý có tiền sử bệnh tâm thần nên vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ tháng 11-2018. Quá trình điều trị, Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ y tế của bệnh viện, trong đó có Nguyễn Anh Vũ để được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Thậm chí Quý cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze, cất giấu và sử dụng trái phép chất ma túy. Không chỉ cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện, sử dụng ma túy ngay tại chỗ, Quý còn đưa cả những cô gái làm "dịch vụ" đến đây để cùng sử dụng ma túy và tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện.

Bệnh viện Tâm thần TƯ1. Ảnh: V.H.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ảnh: V.H

Câu chuyện trên khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, khó có thể tin một nơi khám chữa bệnh lại bị biến thành xào huyệt của tội phạm. Không chỉ bây giờ, năm 2017, dư luận cũng không khỏi bất bình khi biết tin bác của bệnh viện này giúp tội phạm hình sự có được bệnh án tâm thần đề hòng thoát tội.

Theo cáo trạng, đêm 27-10-2017, Lê Thanh Tùng cùng nhóm bạn đến một quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để chơi. Tại đây, nhóm của Tùng đã tham gia một vụ xô xát và dùng dao, hung khí gây thương tích cho 3 người của một nhóm khác. Sau khi Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố vụ án, Tùng bỏ trốn. Trong thời gian này, được người quen mách nước và liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhờ giúp làm bệnh án tâm thần giả. Sơn đã môi giới Tùng với Thân Thái Phong, Phó trưởng khoa Tâm thần để được làm giả bệnh án với giá 85 triệu đồng. Đến ngày 19-1-2018, Tùng bị công an bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan điều tra, Tùng không thừa nhận hành vi phạm tội và khai đang mắc bệnh tâm thần. Mẹ của Tùng cũng đã mang một bộ hồ sơ bệnh án điều trị nội trú bệnh tâm thần (bản sao do Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cấp) nộp cho cơ quan công an.

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, Công an quận Hoàn Kiếm đã chuyển vụ việc lên Công an TP Hà Nội điều tra theo thẩm quyền. Kết quả điều tra cho thấy, ngày 22-11-2017, sau khi được môi giới, Tùng đã đến bệnh viện gặp Thân Thái Phong làm thủ tục khám đầu vào và được Phong lập hồ sơ bệnh án nội trú tại khoa tâm thần người cao tuổi. Tiếp đó, Phong đưa một bệnh nhân chậm phát triển do Phong trực tiếp điều trị đi chụp X-quang tim, phổi và ghi điện não; lấy kết quả của bệnh nhân này đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng. Đáng lưu ý, Phong còn tự lấy máu của mình cho vào ống bệnh phẩm ghi tên Lê Thanh Tùng để lập phiếu xét nghiệm sinh hóa máu và phiếu xét nghiệm tế bào ngoại vi rồi đưa vào bệnh án. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Phong đưa bệnh án giả của Tùng cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện.

Bệnh án giả “bùa hộ mệnh” giúp tội phạm thoát tội

Luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật Hoàng Hưng phân tích, theo quy định của pháp luật, kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Lợi dụng chính sách khoan hồng, tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật nước ta nhằm giảm thiểu hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng không đủ nhận thức hoặc hạn chế về nhận thức, các đối tượng phạm tội đã tìm mọi cách “chạy án” bằng những giấy chứng nhận tâm thần giả.

Như vậy, nếu đối tượng bị kết luận mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ và đối tượng sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội "Giết người", nếu đủ căn cứ xác định khi phạm tội có mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì thực tế hiện nay thường được tòa giảm nhẹ hình phạt, không áp dụng hình phạt tử hình.

Tháng 8-2019, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp với các cơ quan T.Ư, nhiều đại biểu lo ngại tình trạng tại một số địa phương có tình trạng các đối tượng giang hồ lợi dụng hồ sơ tâm thần giả để phạm tội và trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha dẫn chứng báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao nêu 2 vụ trong đó có 1 vụ Tòa án nhân dân tối cao khẳng định kết luận giám định tâm thần không đúng. Còn báo cáo của Viện KSND tối cao cũng nêu số vụ làm giả hồ sơ tâm thần tại một số bệnh viện tâm thần như vụ Lò Văn Dân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cấp giấy chứng nhận xác nhận đối tượng này có 2 đợt điều trị ngoại trú tại bệnh viện, dù bị cáo chưa từng tới khám và điều trị tại bệnh viện...

Cũng trong năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an khi bắt một chuyên án lớn đã phát hiện đối tượng gây án đã từng phạm tội về ma túy nhưng do có hồ sơ bệnh án tâm thần, được để bên ngoài rồi lại đi gây án. Cùng thời gian này, Viện KSND TP Hà Nội đang yêu cầu xác định 13 vụ án có dấu hiệu làm giả hồ sơ tâm thần.

* Sáng 1-4, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn xem xét các vấn đề liên quan tới vụ vi phạm pháp luật tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, sau khi Công an TP Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại đây. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với bác sĩ Vương Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

*Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ về vụ bệnh nhân cầm đầu đường dây ma túy, mở phòng "bay lắc" ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc để tội phạm lọt vào và sử dụng chính cơ sở của bệnh viện làm nơi sử dụng, chứa và kinh doanh ma tuý là hết sức nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng của vụ việc không phải chỉ vì tội phạm về ma tuý mà đặc biệt nghiêm trọng ở chỗ nơi phạm tội lại chính là bệnh viện và việc phạm tội diễn ra công khai giữa nơi đông người.

Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động