Bảo vệ quyền người tiêu dùng: Công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra thuận lợi, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cần phải nhận thức tốt trách nhiệm của mình và có chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Tuyết Nhi |
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý liên tiếp nhận được phản ánh về các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Riêng năm 2022, đường dây nóng đã tiếp nhận và giải đáp gần 14.200 cuộc gọi liên quan đến vấn đề này. Sở Công Thương Hà Nội và Cục Quản lý thị trường đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 42 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, kiểm tra xử lý 1.530 vụ...
Theo Sở Công Thương Hà Nội, vẫn còn nhiều người tiêu dùng cảm thấy e ngại trong việc khiếu kiện, chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết các quyền lợi của mình hoặc ngại va chạm nên không lên tiếng trong những vụ việc bị xâm phạm quyền lợi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện, nhưng tình trạng khiếu nại vẫn gia tăng và nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Một nguyên nhân nữa của tình trạng này là do Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi với những mô hình kinh doanh mới, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tế.
Hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và tiếp nhận các góp ý, chỉnh sửa để có thể trình phê duyệt trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hết là một nghĩa vụ, đồng thời là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình.
Do đó, doanh nghiệp cần phải có biện pháp trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong công ty, đơn vị, trước hết là bộ phận chăm sóc khách hàng, thực hiện bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại, thông qua cán bộ chuyên trách pháp luật của doanh nghiệp hoặc sự giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các cuộc hội thảo chuyên đề hoặc phối hợp với các doanh nghiệp chủ động đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức các hội thảo về các vấn đề doanh nghiệp cùng quan tâm, cần làm rõ, qua đó tìm ra cách thức thực hiện đúng nhất, phù hợp nhất với các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, định kỳ hằng quý hoặc hằng năm, doanh nghiệp có thể thuê các chuyên gia pháp luật về lĩnh vực chuyên môn để giảng dạy về các vấn đề quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chính sách của doanh nghiệp nên hướng tới các tiêu chí như cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về thông tin, ghi nhãn, bảo đảm an toàn, chỉ dẫn, cân đong đo, đếm, cung cấp thông tin đúng đầy đủ chính xác cho người tiêu dùng; cam kết sẵn sàng bảo hành và đổi lại hàng, trả lại tiền nếu hàng hóa dịch vụ không bảo đảm chất lượng như thông tin, quảng cáo
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, khi doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ thấy đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi việc làm này không chỉ giúp ích người tiêu dùng mà qua đó cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và hình ảnh đẹp về doanh nghiệp.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực này, cả 3 phía gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sẽ nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, văn minh.
Hiện Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai Chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng" năm 2023 với thông điệp "Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn".
Chương trình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động thiết thực, có tính lan tỏa như mít-tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Giải chạy "Vì người tiêu dùng", Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng", Tuần lễ tri ân người tiêu dùng... Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng liên quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại