Thứ hai 29/04/2024 16:41
Quấy rối tình dục trên mạng:

Bài cuối: Làm gì để không trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục qua mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói bao gồm cả lời nói qua các phương tiện điện tử cũng đã được quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn thi hành luật. Và làm sao để mình không là nạn nhân của vấn nạn này, theo các chuyên gia, mỗi cá nhân hãy trở thành một công dân số thông minh và có trách nhiệm.
Bài cuối: Làm gì để không trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục qua mạng
Hành vi quấy rốI tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác. Ảnh: N.D

Mọi người đều có thể tự mình phòng ngừa được nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn quấy rối tình dục

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng đã được cơ quan điều tra xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 3 năm từ 2017-2019, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em đã bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ trẻ em thực sự đã và đang được các cấp ngành, phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Bà Chu Thu Hà, Quản lý truyền thông Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, bất kì ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực tình dục, đặc biệt là trên mạng, trong đó có nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em và thanh thiếu niên mặc dù rất nhạy bén về công nghệ và mạng xã hội nhưng lại thường thiếu kinh nghiệm, kĩ năng và sự nhận thức về nguy cơ giao tiếp trực tuyến, do đó, họ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ có ý đồ xấu.

Các kẻ gây bạo lực và quấy rối trên mạng thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi để thao túng tâm lý nạn nhân và thực hiện các hành vi bạo lực tình dục. Phố biến nhất là lợi dụng sự “yếu thế” của nạn nhân để uy hiếp, đe doạ nạn nhân. Quá trình thường diễn ra với thủ đoạn gồm các bước: Làm quen-cảm thông, giúp đỡ-tạo niềm tin-dụ dỗ/đe doạ-bạo lực. Khi nắm trong tay điểm yếu của nạn nhân, kẻ gây bạo lực có thể sử dụng thông tin riêng tư (ảnh/video clip nhạy cảm, câu chuyện hay thông tin có tình tiết nhạy cảm…), thông tin lừa đảo có liên quan đến nạn nhân để họ sợ hãi không dám phản kháng, từ đó dễ dàng thao túng, ép buộc họ thực hiện các hành vi không mong muốn.

Theo bà Hà, để có thể tự mình phòng ngừa được nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục trực tuyến, mỗi cá nhân hãy trở thành một công dân số thông minh và có trách nhiệm. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kĩ năng an toàn cần thiết để giúp nhận diện, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro. Các kĩ năng bao gồm: Biết cách cài đặt bảo mật tài khoản và cảnh báo đăng nhập và bảo vệ hai lớp, đăng nhập an toàn, cài đặt chế độ riêng tư, và kết nối chọn lọc; có tư duy phản biện và thấu cảm để nhận diện rủi ro cũng như tránh bị lôi kéo vào các hành vi gây bạo lực cho người khác…

“Chúng ta đừng là những chiếc đũa đứng riêng rẽ mà hãy cùng nhau trở thành một bó đũa chắc chắn, vững chãi, không thể bẻ gãy. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào cũng đều sẽ phải chấm dứt. Chúng tôi tin tưởng vào sự nhiệt huyết, sức mạnh và khả năng lan toả thông điệp tích cực của những thanh niên thế hệ mới” – bà Hà nhấn mạnh.

Hành vi quấy rốI có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác

Còn theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về mặt pháp luật, hiện nay, đã có tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về vấn đề này cũng như các quy tắc ứng xử.

Cụ thể, đối với các hành vi quấy rối tình dục trên mạng, tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Hùng chỉ dẫn, khi bị quấy rối, nạn nhân cần yêu cầu đối tượng quấy rối chấm dứt hành vi xúc phạm mình. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng, thì cần có biện pháp kiên quyết như block tài khoản, sử dụng chế tài pháp luật là làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi của người đó, đồng thời cung cấp được thông tin các tài khoản đó (tên facebook, zalo, email,...), các bằng chứng (nội dung bình luận trên facebook, nội dung email, các email đã nhận được nội dung lăng mạ, chửi bới, số điện thoại cuộc gọi đến...) để cơ quan có thẩm quyền thụ lý, điều tra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rồi tính dục qua mạng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 Bộ luật Hình sự). Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…

Cho dù các chế tài xử lý cũng như các quy định pháp luật đã rõ ràng trong các trường hợp quấy rối tình dục trên mạng, nhưng hơn hết, mọi người trong xã hội đều cần có kiến thức về việc “sống văn minh là không quấy rối tình dục”, để không bao giờ vi phạm vào điều này.

Bài 1: Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm vào cơ thể Bài 1: Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm vào cơ thể

Quấy rối tình dục trên mạng ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Không chỉ bằng hình ảnh, lời nói trực tiếp chỉ ...

Bài 2: Phần lớn người bị quấy rối tình dục thường im lặng Bài 2: Phần lớn người bị quấy rối tình dục thường im lặng

Sự bùng nổ của internet cùng với sự phổ biến của smartphone, quấy rối trên không gian mạng giờ đây là một vấn nạn. Đáng ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động