Thứ hai 29/04/2024 21:35
Quấy rối tình dục trên mạng:

Bài 2: Phần lớn người bị quấy rối tình dục thường im lặng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự bùng nổ của internet cùng với sự phổ biến của smartphone, quấy rối trên không gian mạng giờ đây là một vấn nạn. Đáng chú ý, ngoài việc "hung thủ" dường như không nhận thức, hoặc cố tình phớt lờ những hậu quả do hành vi quấy rối tình dục gây ra thì chính những nạn nhân đôi khi cũng im lặng, không nhận thức đó chính là hành vi quấy rối.
Bài 2: Phần lớn người bị quấy rối tình dục thường im lặng
Hình ảnh Hoa hậu Khánh Vân tham gia chiến dịch “Hãy lên tiếng” kêu gọi phụ nữ dũng cảm tố cáo kẻ quấy rối. Ảnh internet.

Nhiều người không coi hành động khiếm nhã trên MXH quấy rối tình dục

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 9 năm 2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu, chiếm 70% tổng dân số. Việt Nam đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á về số lượng người sử dụng mạng. Và theo báo cáo của We are Social cho biết, trung bình người Việt sử dụng internet 6,5h/ngày, trong đó 2,3h cho mạng xã hội.

Theo khảo sát của Microsoft về chỉ số văn minh trên mạng, Việt Nam đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường internet. Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam được chỉ ra trong khảo sát gồm: Liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%).

Cũng theo khảo sát này, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải một trong 21 hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây. 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.

Theo nghiên cứu “Quấy rối tình dục trong thanh thiếu niên ở trường học” do ISDS, TFCF và Actionaid thực hiện, 60 % thanh thiếu niên đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục và 50% thanh thiếu niên bị tổn thất về sức khỏe tinh thần sau khi bị quấy rối tình dục.

Theo Nghiên cứu Trải nghiệm quấy rối tình dục của nữ sinh các trường Đại học tại thành phố Đà Nẵng của thạc sỹ Lê Thị Lâm, 73,3% trải nghiệm việc bị bình phẩm nhạy cảm về cơ thể, 73,6% trải nghiệm quấy rối tình dục qua tin nhắn, email.

Như vậy, việc quấy rối tình dục qua mạng đã trở thành một vấn nạn mà bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân. Tuy nhiên, có tới 70% người lại cho rằng, những hành vi có dấu hiệu quấy rối tình dục trên mạng xã hội không phải là… quấy rối.

Theo đó, tại buổi Tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu về "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - nhận thức, thực trạng và ứng phó", đại diện nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Hương và bà Cao Thị Hồng Minh, cho biết: Qua khảo sát cho thấy, có tới 90% số người được hỏi cho rằng hành vi phổ biến được xác định là quấy rối tình dục là: "Đụng chạm về cơ thể một cách không mong muốn như ôm, hôn, quàng vai, chộp/chạm các bộ phận trên cơ thể". Tiếp đến là "cưỡng hiếp hoặc cố gắng cưỡng hiếp, hay hành hung, tấn công thân thể, tiếp xúc khiếm nhã, tấn công tình dục (82,4%)…

Nghiên cứu cũng chỉ ra, hành vi được coi là quấy rối tình dục khi người tiếp nhận "không mong muốn, không chào đón, không có sự đồng thuận và cảm thấy bị bị xúc phạm; hành vi đó tạo ra tâm lý căng thẳng khó chịu, sợ hãi và e ngại…".

Đáng chú ý là hành vi tình dục qua các nền tảng trực tuyến ít bị coi là quấy rối tình dục. Gần 70% số người được hỏi không coi hành động "email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại, hoặc không phù hợp" là quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, các bình luận, câu chuyện cười khêu gợi tình dục thường được coi là một phần gia vị vui hàng ngày, mà không coi đó là hành vi quấy rối tình dục.

Phần lớn người bị quấy rối tình dục thường im lặng

Việc để việc quấy rối tình dục trên mạng xã hội để lại những hậu quả không khác với những hành vi quấy rối tình dục ở thế giới thực. Theo các chuyên gia, hậu quả tinh thần và tâm lý của quấy rối tình dục trên mạng xã hội có thể rất nặng nề. Nạn nhân có thể trải qua cảm giác tự ti, lo sợ, căng thẳng, và thậm chí là trầm cảm. Việc bị xâm phạm trực tuyến có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và hạnh phúc của họ trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài việc không ý thức được mình đang bị quấy rối tình dục, thì phần lớn những nạn nhân quấy rối tình dục đều im lặng, không lên tiếng. Lý giải về điều này, trong nghiên cứu về "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - nhận thức, thực trạng và ứng phó" cũng chỉ ra biện pháp ứng phó của người bị quấy rối tình dục. Trong đó đáng chú ý là chỉ có 20,2% số người bị quấy rối có phản ứng là "nói với người đó không được làm như vậy"; có 1,5% là nói với gia đình và bạn bè; 11% báo cho người có thẩm quyền. Còn lại phần lớn là giữ im lặng, lờ đi, không làm gì hết và tránh gặp mặt người đó.

Nguyên do việc không tố cáo hành vi quấy rối, bởi họ sợ rằng họ không có đủ sức mạnh và tự tin để đưa vấn đề ra công chúng và một trong những e ngại của họ là vấn đề có thể không được giải quyết.

Cũng có người cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến nạn nhân không lên tiếng ngay sau vụ việc là từ các định kiến và nỗi sợ hậu qủa. Nạn nhân quấy rối tình dục thường bị tâm lý hoài nghi, lúng túng, cảm giác đơn độc, họ không biết tìm ai, nơi nào để hỗ trợ họ. Những định kiến và nỗi sợ đã lấy hết dũng khí đấu tranh của nạn nhân. Việc bị đe dọa, trả thù hoặc những hậu quả tiêu cực như mất việc làm, mất danh dự, những ánh nhìn những lời dị nghị, đàm tiếu từ xung quanh “không có gió sao có bão” là những cảm giác sợ hãi khiến nạn nhân rơi vào một tình trạng đau đớn kéo dài, sống khép mình và không dám chia sẻ, vì sợ việc lên tiếng sẽ mang lại những hậu quả không mong muốn…

Nạn nhân cũng có thể trải qua cảm giác xấu hổ và tự trách bản thân. Với những “câu hỏi cung” từ gia đình, bạn bè, họ có thể cho rằng bản thân đã làm gì đó sai, không đủ mạnh mẽ để đối mặt với tình huống hoặc không xứng đáng được tin tưởng. Những cảm giác này khiến nạn nhân QRTD không dám lên tiếng và trì hoãn việc tìm kiếm công lý. Tự trách và xấu hổ không chỉ tăng thêm sự tổn thương mà còn ảnh hưởng đến lòng tự tin và sự tin tưởng vào bản thân.

Đồng thời, những bất cập về thủ tục hành chính, chế tài và pháp lý liên quan cũng là một trong những rào cản làm cản trở sự lên tiếng của nạn nhân quấy rối tình dục… Hiện nay chưa có luật phòng chống quấy rối tình dục mà chỉ mới áp dụng theo quy định tại Bộ luật lao động 2019, chế tài vi phạm xử phạt cho các hành vi quấy rối tình dục cũng đang ở mức nhẹ nhàng chưa đủ sức răn đe đối tượng.

(Còn nữa)

Bài 1: Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm vào cơ thể Bài 1: Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm vào cơ thể
Giảng viên bị tố gạ tình nữ sinh trường Đại học Hải Phòng bị xử lý thế nào? Giảng viên bị tố gạ tình nữ sinh trường Đại học Hải Phòng bị xử lý thế nào?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động