Bài 1: Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm vào cơ thể
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuấy rối tình dục trên mạng: Quấy rối không chỉ là đụng chạm vào cơ thể. Ảnh minh hoạ: internet |
Quấy rối tình dục trên mạng bằng hình ảnh
Do phải bán hàng online, nên N, sinh năm 1990, trú tại Hà Nội luôn phải công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội facebook, zalo. Việc nhận được những lời kết bạn, những tin nhắn từ những tài khoản khác nhau trên mạng xã hội là điều xảy ra thường xuyên với N.
“Một lần, có một tài khoản lạ bỗng dưng video call cho tôi. Ban đầu tôi từ chối, nhưng sau thấy gọi nhiều lần nên tôi có bắt máy. Nhưng thay vì trao đổi về việc mua bán hay chuyện trò bình thường, tài khoản này lại chiếu thẳng đến… phần nhạy cảm của anh ta” – N. kể.
Vội vã tắt máy, nhưng tài khoản này không buông tha cô. Thậm chí anh ta còn gửi những hình ảnh và âm thanh thủ dâm qua cửa sổ chat cho N. Mặc dù đã vội xoá và chặn ngay tài khoản lạ đó, nhưng nhiều ngày sau cô vẫn chưa hết bàng hoàng.
H.P, sinh năm 1987 cũng từng gặp trường hợp tương tự. Theo đó, qua một nhóm có chung một sở thích về phim, có một tài khoản kết bạn với P. Tài khoản này tự giới thiệu mình tên là T. là một nhân viên kinh doanh, làm việc tại Hà Nội. P. cho biết, cô cũng có đôi lần nói chuyện, nhưng không đến nỗi thân thiết và cũng chưa từng gặp nhau ngoài đời thật.
“Bỗng có một lần, lúc đó đêm muộn rồi T. bỗng nhắn cho tôi, sau vài câu hỏi thăm thông thường, T. đã “gạ” tôi chat sex. Chưa kịp phản hồi thì hắn đã gửi những hình ảnh khiêu dâm, nhạy cảm cho tôi. Tôi rất xấu hổ và bực mình nên quay sang rất gay gắt với T., thậm chí dọa sẽ tố cáo hành vi quấy rối tình dục của hắn lên mạng xã hội. Lúc đó, anh ta mới dừng lại” – P. kể.
Cô cho biết, giờ nghĩ lại, cô vẫn còn thấy bực mình, đồng thời cũng khá sợ. Dù biết trên mạng là ảo nhưng những hình ảnh và hành động khiếm nhã của tài khoản kia đã gây ra những bất an trong cuộc sống thực của cô – P. chia sẻ.
Những lời khiếm nhã thường được dân cư mạng sử dụng khi nhìn thấy một bức ảnh đẹp. Ảnh chụp từ màn hình. |
Ranh giới mong manh giữa đùa cợt và quấy rối tình dục
Những đối tượng có những hành vi với những người như P., như N. không phải hiếm trên mạng xã hội. Đó là thể hiện rõ ràng của việc quấy rối tình dục qua mạng xã hội. Tuy nhiên, không chỉ có như thế, những lời khen chê, bình phẩm trên mạng xã hội nhiều lúc cũng được xem là quấy rối tình dục.
Chị L. cho biết, đợt đầu tháng 10, chị có cùng các bạn đi chụp một bộ ảnh để lưu lại những khoảng khắc mùa thu Hà Nội. Trong bộ ảnh đó, ngoài trang phục áo dài, chị có thay đổi bằng một chiếc váy ngắn, ôm sát… Khá hài lòng với bộ ảnh đó, nên chị có đăng lên tài khoản facebook của mình.
“Với những hình áo dài thì không sao, đến ảnh tôi mặc váy, có khá nhiều những bình luận như “ngon quá”, “ngọt nước quá”… xuất hiện. Thậm chí có cả những người mà tôi cực ít tương tác với tôi, hoặc những tài khoản mà tôi còn… chẳng nhớ là ai cũng vào bình luận những câu tương tự. Không dừng lại, dưới những bình luận ấy người nọ, người kia lại hùa theo. Các câu bình luận cứ thế “thăng cấp”, trở thành cợt nhở khiến tôi rất khó chịu…” – chị nói.
Chuyện ấy hầu như rất nhiều người đã đối diện. Thậm chí xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội. Không chỉ có những tài khoản với giới tính là nam mới buông lời cợt nhả về những bức ảnh cơ thể phụ nữ trên mạng internet, mà như một kiểu “bình đẳng” ngày càng đông chị em sẵn sàng bình luận dưới bức hình một thiếu gia nhảy dưới mưa hay hình một diễn viên Hàn Quốc những câu kiểu như: “Nhìn mà muốn rụng trứng”…
Như thế, ý thức về hành vi quấy rối tình dục trở lên mong manh giữa lằn ranh đùa cợt ấy. Khái niệm "quấy rối tình dục" đã được luật hóa trong Bộ luật Lao động năm 2019. Theo khoản 2, điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng chỉ ra các dạng thực của quấy rối tình dục bao gồm: hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy có thể thấy hành vi “quấy rối tình dục" bằng lời nói bao gồm cả lời nói qua các phương tiện điện tử cũng đã được quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Theo các chuyên gia, bất kể hành vi nào có tính chất tình dục mà không được người nhận tiếp nhận đều được coi là quấy rối tình dục. Như vậy, những lời khen mang hàm ý hoặc nhắm vào các bộ phận nhạy cảm là có tính chất tình dục. Ranh giới tuy mong manh nhưng rõ ràng nhất để phân biệt sẽ nằm ở sự tiếp nhận của người được khen.
Một lời khen có thể trở thành sự quấy rối nếu người nhận cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu trong quá trình nhận lời khen đó. Đặc biệt, khi người nhận đã bày tỏ thái độ không thích/không thoải mái mà vẫn tiếp tục lặp lại thì sẽ càng củng cố hành vi quấy rối rõ rệt hơn.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới (CSAGA) cho biết, rất nhiều người cho rằng, khi được khen, ca ngợi thì không được gọi là quấy rối tình dục. Tuy nhiên, với những lời khen không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức độ, đó chính hình thức quấy rối tình dục khi đã làm cho người nghe khó chịu.
Theo bà Vân Anh, “lằn ranh” giữa khen ngợi và quấy rối không đơn giản. Tuy nhiên, cách tốt nhất là giữ chừng mực trong giao tiếp, khi đang làm công việc gì, người nói chỉ nên trao đổi đúng về công việc đó. Đặc biệt, nói về nam giới, nữ giới trong mọi độ tuổi, cần phải lựa chọn, sử dụng ngôn từ cẩn thận đúng với vị trí, mối quan hệ, không thể dùng những lời khen “đụng chạm” đến giới tính.
(Còn nữa)
Tạm đình chỉ giảng viên bị tố quấy rối, "gạ tình" nữ sinh trường Đại học Hải Phòng | |
Giảng viên bị tố gạ tình nữ sinh trường Đại học Hải Phòng bị xử lý thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại