Khó có thể xử lý theo pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBút tích tường trình được đăng trên mạng xã hội trong vụ của nhà thơ D.T.P |
Lên tiếng sau 1 thời gian bị lạm dụng
Đầu tháng 4, CA TP Hà Nội đã cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) CA TP đã tiếp nhận hồ sơ từ CA quận Hoàng Mai chuyển lên vụ cô gái trẻ tố chủ tịch một bệnh viện ở Hà Nội cưỡng bức tình dục để tiếp tục thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Trước đó trên mạng xã hội đã lan truyền lá đơn do chị V.N.H (Hà Nội) ký, thể hiện việc chị quen ông L.M.T vì người đàn ông này là bạn của mẹ H. Câu chuyện diễn biến từ năm 2020, khi chị H vào làm việc tại bệnh viện nơi ông T làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Mặc dù đã có vợ con, nhưng theo đơn, ông T vẫn gạ gẫm chị H quan hệ tình dục và đã xâm hại chị H trong một chuyến đi du lịch.
Kể từ thời điểm đó, ông T cố tình biến chị H thành nô lệ tình dục, thậm chí nhiều lần cưỡng bức, xâm hại chị H. Hai năm trời, nạn nhân chấp thuận quan hệ với ông T bởi bị khống chế. Cho đến tháng 3/2022, chị H mới mạnh mẽ đứng ra tố cáo sau khi đã dời nhà tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tiếp đó tuần đầu tháng 4, mạng xã hội lại xôn xao câu chuyện của nhà thơ D.T.P tố một Phó Tổng biên tập của một tờ báo. Nội dung đơn tố cáo nhà thơ nữ này bị cưỡng hiếp nhiều lần từ tháng 7/1999 đến tháng 4/2000, trong đó có một lần cưỡng hiếp xảy ra vào trưa 14/4/2000 đã được nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ chứng kiến. Lá đơn còn kèm theo biên bản tường trình sự việc của người chứng kiến. Thực hư cả hai sự việc thế nào đều chưa được các cơ quan chức năng kết luận. Nhưng điều đáng nói ở đây, cả hai lá đơn tố cáo đều chung một điểm, việc “bị cưỡng hiếp” hay làm “nô lệ tình dục”, theo các nạn nhân đều xảy ra một thời gian khá dài.
Khó có thể xử lý theo pháp luật
Khi chưa có thông tin, kết luận chính thức của các cơ quan điều tra thì bất cứ ai cũng không thể bàn định đúng sai. Vấn đề đặt ra là tại sao các nạn nhân vẫn mãi im lặng, thực sự phải đến khi “tức nước vỡ bờ” mới đưa cả một thời gian dài tăm tối đó ra ánh sáng. Lý giải câu chuyện im lặng từ ngay khi câu chuyện mới xảy ra, chia sẻ dưới góc nhìn của nạn nhân, chị D.T.D (Hà Nội) cũng cho biết, hồi bé chị đã từng bị bạn của bố mẹ quấy rối tình dục. Tuy nhiên khi chị D. nói với mẹ, mẹ chị chỉ nghe rồi lờ đi, thậm chí cũng không có động thái gì với người kia. “Từ đó tôi không bao giờ nói với ai những câu chuyện tương tự như thế nữa”, chị D nói.
Ở góc nhìn khác, anh N.B.H (Gia Lâm) cũng cho rằng, việc nạn nhân của quấy rối hay xâm hại, thậm chị bạo lực tình dục thường chọn cách im lặng bởi xấu hổ, hoặc do tư tưởng nam-nữ còn nặng nề. “Đấy là chưa bàn đến câu chuyện cần xem xét việc giáo dục giới tính trong nhà trường, gia đình của Việt Nam. Các bài học trên lớp, trong các câu chuyện ở nhà, việc giáo dục giới tính đã thực sự được coi là nghiêm túc, quan trọng để mọi người có ý thức trân trọng chính mình và hiểu rằng những câu chuyện tương tự như trên là không bao giờ được phép xảy ra”, anh H quan điểm. Trong một bài viết của mình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội bày tỏ, bà cũng từng bị quấy rối tình dục, nên rất thấu hiểu sự kinh khủng và nỗi ám ảnh vì những câu chuyện đó.
“Trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại cực kỳ tồi tệ. Nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Đó là những nhận xét kiểu như "muốn nổi tiếng hay sao mà sau bao nhiêu năm mới mở miệng?"; "không có lửa làm sao có khói?”; hay "Tại anh tại ả, tại cả đôi bên"… Nhiều người phụ nữ bị giày vò bởi cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận trong nhiều năm song không dám chia sẻ với ai việc mình bị quấy rối hay xâm hại tình dục vì lẽ đó…”, bà Hồng cho biết. Cũng theo bà, tất cả những nạn nhân của quấy rối hay xâm hại tình dục đều rất khó lên tiếng, trên thế giới cũng có tình trạng như vậy. Cho đến gần đây, khi nhiều nước phương Tây có phong trào “Me too”, một phong trào kêu gọi các nạn nhân của bạo hành tình dục lên tiếng tố cáo mới góp phần khuyến khích phụ nữ công khai sự quấy rối và bạo hành tình dục trên mạng xã hội.
Trở lại với vụ việc của nhà thơ D.T.P: “Hiện tại, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kết luận về sự việc, tuy nhiên nếu giả định sự việc là sự thật thì cũng khó có thể đi theo hướng xử lý về pháp lý”, LS Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luận sư Hà Nội cho biết. Theo đó, Điều 27 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tối đa là 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. “Nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt (như tội "Xâm phạm an ninh quốc gia", tội "Phá hoại hoà bình, chống loài người", tội "Phạm chiến tranh",…) thì sau 20 năm, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật”, LS Hùng phân tích.
Theo LS Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, để tự bảo vệ mình, cũng như cùng đấu tranh để loại bỏ những câu chuyện tương tự như hai câu chuyện trên ra khỏi cuộc sống, nạn nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của sự việc. Công khai, tố cáo người phạm tội với cơ quan chức năng càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, các Hiệp, Hội, các tổ chức hoạt động, bảo vệ cho người yếu thế cũng cần sâu sát, có phương châm hoạt động hiệu quả hơn để bảo vệ cũng như ngăn chặn sự việc từ khi còn rất sớm. “Quan trọng, cả xã hội phải cùng chung tay và nhận thức đúng về sự nghiêm trọng của các câu chuyện tương tự như thế này”, LS Hùng kết luận. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại