Thứ sáu 22/11/2024 13:45
Chuyện PCCC và những “chuồng cọp” trên cao

Bài cuối: Để chuồng cọp không còn là mối nguy thường trực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Chuồng cọp" có tiện ích đến mấy thì vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nếu như xảy ra hỏa hoạn. Nhiều địa bàn tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã vận động người dân chủ động tháo dỡ "chuồng cọp".

Chưa có một thống kê cụ thể trên toàn thành phố Hà Nội có bao nhiêu khu tập thể, nhà cao tầng và nhà dân sở hữu "chuồng cọp". Theo thông tin của Công an quận Thanh Xuân, riêng trên địa bàn quận có 16.130 căn hộ, nhà ở riêng lẻ người dân làm “chuồng cọp”.

Trong đó, nhà tập thể cũ có 5.617 căn, nhà ở riêng lẻ có 10.513 nhà. Việc gia cố thêm những "chuồng cọp", theo như lý giải của người dân, nhằm phòng chống trộm cắp, cũng như cơi nới diện tích sử dụng. Để phục vụ mục đích này người dân đã làm lồng sắt tại các nhà tập thể cũ; hàn bịt kín lô gia, ban công, tầng tum tại các nhà ở riêng lẻ, tuy nhiên không trổ cửa thoát nạn.

Bài cuối: Để chuồng cọp không còn là mối nguy thường trực
Ngoài việc lo phòng trộm cắp, cũng nên tính đến lối thoát cho gia đình nếu gặp sự cố

Và bởi tồn tại đã rất lâu, nên phần lớn các nhà tập thể cũ đều thiếu điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Thêm vào đó, người dân tự ý gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… khiến cho khi có cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn, mất nhiều thời gian để phá "chuồng cọp", cắt khóa cửa...

Nhận thức được mức độ nguy hiểm và hậu quả do cháy, nổ gây ra đối với loại hình này, Công an quận Thanh Xuân đã tham mưu cho Quận ủy, UBND quận ban hành nhiều chỉ đạo về tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa thoát nạn trên “chuồng cọp”.

Đồng thời, Công an quận cũng chủ động ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, thông báo… công tác PCCC&CNCH liên quan đến việc tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các lồng sắt nhà tập thể cũ, ban công, lô gia, tầng tum hàn bịt kín bằng sắt của nhà ở riêng lẻ (gọi tắt là chuồng cọp) và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Ghi nhận của phóng viên, hiện tại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tích cực, chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Những gia đình ở khu tập thể cũ đã thuê thợ đến cắt “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm.

Bà Việt, một hộ gia đình ở phường Khương Đình cho biết, gia đình bà cũng đã mở thêm cửa thoát hiểm trên tum tầng 5, đồng thời lắp thêm hai thang thoát hiểm. “Nhìn từ những vụ việc cháy nổ với cái chết thương tâm của nạn nhân, tôi thấy việc mở thêm cửa thoát hiểm là tạo thêm “cửa sống” cho chính gia đình mình. Thôi thì ngoài việc lo phòng trộm cắp, cũng nên tính đến lối thoát cho gia đình nếu gặp sự cố”- bà nói.

Theo thông tin từ quận Thanh Xuân, sau thời gian thí điểm trên địa bàn 2 phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam kết quả đã có 2.736 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 trên tổng số 4.217 hộ gia đình có “chuồng cọp”, đạt 65% và 2.635 hộ gia đình tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu hộ.

Đến nay trên toàn địa bàn quận đã có gần 8.000 “chuồng cọp” đã được mở cửa tạo lối thoát nạn (đạt trên 49%). Nhiều hộ gia đình đã tự trang bị chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thiết bị phá dỡ, thiết bị cảnh báo cháy...

Việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tháo dỡ "chuồng cọp" và tạo những lối thoát cho gia đình trong trường hợp khẩn cấp là giải pháp không mới. Nhưng để thực sự mô hình này đi vào cuộc sống và triển khai một cách triệt để mới là điều mà hầu hết người dân mong muốn. Và để đạt được hiệu quả sâu rộng cũng như khiến người dân thực sự đổi cách nghĩ không chỉ cần tuyên truyền hay vận động, mà còn là cách chia sẻ cũng như hỗ trợ của các cấp chính quyền đến các nhu cầu tất yếu của người dân.

Phó Chánh Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc các hộ dân tự ý xây dựng cải tạo những "chuồng cọp" đã gây ảnh hưởng tới không gian và kiến trúc của tòa nhà. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Ngoài ra, theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà ghi rõ: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức.

Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.

Bài 3: Những cái chết thương tâm do chuồng cọp bít lối
Bài 2: Chuồng cọp – tử huyệt khi có hỏa hoạn
Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người" khi hỏa hoạn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động