Thứ bảy 27/04/2024 04:54
Chuyện PCCC và những “chuồng cọp” trên cao

Bài 3: Những cái chết thương tâm do chuồng cọp bít lối

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã từ lâu nay, khi vụ cháy xảy ra, sẽ không có nhiều cái chết thương tâm nếu như căn hộ, căn nhà không bị bít bởi chuồng cọp.
Bài 2: Chuồng cọp – tử huyệt khi có hỏa hoạn Bài 2: Chuồng cọp – tử huyệt khi có hỏa hoạn
Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người" khi hỏa hoạn

Khoảng 0g ngày 4-4-2021, tại cửa hàng đồ dùng mẹ và bé trên phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội huy động gần 10 xe chữa cháy, xe thang, xe cứu hộ đến hiện trường tổ chức cứu hộ và dập lửa.

Đến khoảng 3g40, đám cháy được dập tắt, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 4 nạn nhân tại tầng tum của ngôi nhà.

Theo cơ quan chức năng, lửa cháy lan ra toàn bộ ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, nhà có một lối ra vào duy nhất là cửa chính. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện.

Theo những nhân chứng có mặt tại hiện trường, bên trên tầng tum ngôi nhà làm chuồng cọp không có cửa thoát hiểm khiến mọi người không thể thoát ra ngoài cũng như từ ngoài vào trong một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, ngôi nhà được xây kiên cố và có nhiều lớp cửa khoá, hàng hoá bày bán nhiều nên rất khó tiếp cận để cứu người.

Bài 3: Những cái chết thương tâm do chuồng cọp bít lối
Hiện trường một vụ cháy.

Trước vụ hỏa hoạn này chỉ 5 ngày, vụ cháy xảy ra tại căn nhà cấp 4 phường Cát Lái (Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã gây hậu quả xót xa không kém khi cả 6 người trong gia đình đều thiệt mạng. Căn nhà này bị bít bùng tứ phía, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.

Khi ngọn lửa bùng lên, 6 người đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn. Người duy nhất sống sót nằm ngủ phía bên ngoài cũng bị bỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân.

Trước đó, ngày 1-12-2019, một đám cháy lớn đã xảy ra tại ngôi nhà trên phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Khi ngôi nhà bố cháy, 3 bà cháu ở trong căn nhà đã hô hào kêu cứu. Tuy nhiên, dù người dân đã khẩn cấp sang cứu, nhưng do ngôi nhà được khóa nhiều lớp, xung quanh ngôi nhà quây kín bằng tôn nên không thể tiếp cận để cứu người.

Khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường và dập tắt ngọn lửa, vào được bên trong thì 3 bà cháu đã tử vong do ngạt khói.

May mắn không thiệt hại về người, những cách đây mấy năm, một vụ cháy xảy ra ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc khiến nhiều người dân nhớ mãi không quên. Vụ cháy xảy ra khoảng 3h sáng, tại phòng 115 nhà A11 khu tập thể Thanh Xuán Bắc, đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chuyên kinh doanh giày dép và phụ kiện.

Vụ hỏa hoạn diễn ra khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn sơ tán. Ít nhất 7 xe chữa cháy cũng hàng chục cán bộ chiến sĩ PCCC được huy động để dập lửa và giải cứu người mắc kẹt. Do cầu thang nhỏ hẹp khói bốc lên nồng nặc nên lực lượng cứu hộ đã phải tiếp cận từ các ban công của khu tập thể.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, một người dân ở A11 kể lại: “Tôi ở trên tầng ngạt khói gần chết. Nhà không có cửa thoát hiểm, cầu thang như ống khói hút lên, không ra cửa ra vào được. Lực lượng cứu hỏa phải cắt chuồng cọp để đưa chúng tôi ra".

Theo bà, nếu như không có các chuồng cọp, vụ cháy có lẽ sẽ được xử lý nhanh hơn, những người dân như bà có lẽ cũng sẽ nhanh chóng thoát hiểm chứ không cần phải chờ lực lượng chữa cháy. “Đến lúc có hỏa hoạn mới biết sự nguy hiểm của cái chuồng cọp. Lúc ấy mới thấy cái chuồng cọp kiên cố mới tai hại làm sao” – bà cảm thán.

Trước đó, một vụ cháy nghiêm trọng làm 13 người tử vong tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Cụ thể, 13g và 13g30, có khách đến hát tại quán karaoke này., Khi đó, quán đang sửa chữa, lắp đặt quán, chưa hoàn thiện, chưa có: Biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, Giấy phép kinh doanh karaoke nhưng Nguyễn Diệu Linh, chủ quán karaoke, trú tại phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, vẫn chỉ đạo cho Võ Hoàng Kỳ, SN 1987, quê Khánh Hòa, – quản lý quán karaoke 68 Trần Thái Tông cho khách vào phòng hát 601 và phòng 502.

Trong khi khách vào hát thì khoảng 13g30 ngày 1-11-2016, Lê Thị Thì, SN 1962, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cùng Hoàng Văn Tuấn, Lê Văn Viện (Tuấn và Viện là thợ hàn sắt không có chứng chỉ nhưng được Thì tuyển vào làm) mang theo máy hàn điện, máy cắt, khoan bê tông đến quán karaoke 68 Trần Thái Tông để hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ với giá 500.000 đồng.

Khi Tuyên và Thiên (nhân viên của quán karaoke 68 Trần Thái Tông) chỉ cho Thì và Tuấn công việc cần làm. Sau đó, Viện ra cắt sắt còn Tuyên và Thiên có nhờ Thì và Tuấn thổi bản lề cánh cửa ra vào phòng hát tại tầng 2 (do bị mắc kẹt, tầng đang thi công).

Tuấn lấy máy hàn, cắt điện, dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để dùng nhiệt cắt bản lề (mặc dù không có các dụng cụ che chắn, dụng cụ bảo đảm an toàn về PCCC) thì lửa vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy.

Khi phát hiện có khói, Tuấn dùng tay dập lửa rồi kêu cháy, cả Thiên, Tuyên, Tuấn, Thì cùng chạy đi lấy nước đổ vào đám cháy nhưng không dập được lửa thì bỏ chạy ra ngoài hô hoán mọi người và khách trong quán để mọi người ra ngoài.

Khi có cháy, khách tại phòng 601 chạy xuống tầng 05 theo cửa thoát hiểm chạy ra ngoài, chỉ còn anh Trần Quang K, SN 1993, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, khi đó đang trong nhà vệ sinh chạy ra sau và tử vong tại phòng 502 cùng nhóm khách hát tại đây.

Trong nhóm khách hát tại phòng 502, khi phát hiện cháy, có anh Trần Việt H và anh Ngô Đức K khi biết có cháy đã dùng áo thấm nước chùm lên đầu và chạy thoát ra ngoài theo lối thoát hiểm phía sau của tầng 5. Hậu quả vụ cháy khiến 13 người tử vong.

Cán bộ cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chia sẻ, nếu xảy ra cháy đối với các hộ gia đình làm thêm các "chuồng cọp", để thoát nạn sẽ không dễ vì những khoảng trống vốn thiết kế là cửa sổ để thoát hiểm đã bị bịt lại và hàn kín sắt.

Bên cạnh đó, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê tông... nên khi cháy xảy ra, lực lượng phòng cháy và chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mất thời gian để cắt “chuồng cọp” khi xảy ra hỏa hoạn, trong khi đó việc xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn phải tính bằng giây.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động