Bài 2: Chuồng cọp – tử huyệt khi có hỏa hoạn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDọc các con phố ở Hà Nội, vì để tận dụng tối đa diện tích, hầu hết các nhà đều được xây theo dạng nhà ống. Và cũng bởi do hạn chế về diện tích, nhà ống ở phố vốn chỉ có một mặt thoáng duy nhất để mở cửa ra vào cũng như trổ cửa sổ.
Thế nhưng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, đôi khi chỉ để có thêm diện tích để chậu cây, hoặc ngăn trộm, những ngôi nhà ống này thường được gia chủ thiết kế thêm những lồng sắt. Những chuồng cọp kiểu này, tiện lợi chưa thấy, nhưng vô hình chung chính gia chủ lại chặn đi một lối thoát hiểm của gia đình mình.
Nhìn lại vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng ngày 4-4 khiến 4 người tử vong, theo thông tin từ UBND quận Đống Đa, đây là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt. Diện tích mặt sàn của căn nhà mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, có lối ra vào duy nhất là cửa chính. Điều đáng nói, ngoại trừ cửa chính, các lối có thể thoát hiểm đều đã bị chính người trong gia đình bịt kín, và hiển hiện rõ ràng của khung sắt kiên cố ở tầng trên cùng của căn nhà.
Hiện trường ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 4 người thiệt mạng |
Quan sát ở khu vực xung quanh , các căn nhà bên cạnh cũng trong tình trạng ban công, tầng thượng đều bịt bùng chuồng cọp. Lý giải việc này, người dân tại đây cho biết, ngày trước khu vực này đã từng có một vụ trộm. Do nhà cửa san sát, nên bọn trộm đã “khoắng” sạch một lúc… 7 căn nhà. Vì vậy, đây là lý do để họ đặt những chuồng cọp kiên cố trên nóc nhà mình.
“Mặc dù biết là bít lối thoát hiểm sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn, thế nhưng bảo để phá dỡ hoàn toàn những khung sắt kiên cố này thì không ai chịu bỏ đâu. Có thể họ sẽ thiết kế một kiểu dạng cửa đóng mở rồi khóa trái trên ấy chứ nhất định không phá dỡ.” – anh N.V.H, một người dân cho biết.
Nhận thức và hiểu được ý nghĩa của lối thoát hiểm cần có trong một căn nhà, anh N.B.H (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh rất dị ứng những căn nhà bít bùng như vậy. “Ngày trước, khi còn chưa có tiền mua nhà, tôi đã từng phải đi thuê trọ. Nhà tôi ở là một khu nhà tầng, tầng một, hai chủ nhà ở, các tầng trên cho thuê trọ.
Mặc dù các tầng đều có ban công nhưng chủ nhà đã hàn kín những chuồng cọp. Tôi có góp ý cần phải làm cửa thoát hiểm nhưng họ không nghe vì sợ trộm. Giả sử cháy nhà để xe tầng một thì tôi chắc chắn tất cả sẽ bị hun khói. Thành phố giờ có quá nhiều chuồng cọp, và tôi cho rằng đấy chính là tử huyệt khi có hỏa hoạn” – anh H. nói.
Cùng đồng quan điểm với anh H., anh Phạm Lê, kỹ sư xây dựng cho biết, rất nhiều nhà ở Việt Nam xây hai bên sát vách, tường sau cũng sát vách với hàng xóm… kiểu thiết kế này nếu xảy ra hỏa hoạn, căn nhà sẽ chỉ có duy nhất một lối thoát. Về điều này, anh cho rằng, hầu hết các ngôi nhà, , đều chú trọng đến vấn đề chống trộm mà không tính đến hoặc coi thường chuyện thoát người khi có hỏa hoạn. Nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, mà thường là phía ngoài hay để xe máy - một trong những tác nhân, nguyên nhân gây cháy.
“Tôi từng nói với nhiều gia đình chuyện này, họ nhận ra nhưng hầu hết không làm gì cả. Có người mua thêm bình chữa cháy nhưng thực ra không giúp được gì nhiều khi mà đám cháy xảy ra trong lúc mọi người đang ngủ. Rất tiếc là chúng ta sẽ còn phải thấy những chuyện đau thương thế này rất nhiều lần nữa” – anh Lê nói.
“Chuồng cọp” tưởng chừng chỉ là quá độ một thời nhưng không phải vậy. Từ nhà chung cư, “chuồng cọp” đã lan sang cả những ngôi nhà phố. Có nhà làm ban công, logia rồi sau đó cải tạo, quây lồng sắt làm “chuồng cọp”; có nhà làm “chuồng cọp” ngay từ đầu. “Chuồng cọp” có thể ở các tầng dưới hay cả tầng tum, sân thượng. Có thể thấy ở hầu hết các tuyến phố, đều có những ngôi nhà phố có “chuồng cọp”. Ngay cả ở nhiều chung cư cao tầng mới xây dựng trong khoảng năm 2000 ở Hà Nội, “chuồng cọp” cũng xuất hiện và không phải là cá biệt ở một vài căn hộ. Ngoài nhu cầu về diện tích sử dụng thì vấn đề an toàn là điều cần nghiên cứu thấu đáo ở góc độ xã hội và chuyên ngành xây dựng. Nếu như ở các chung cư cũ (dưới 5 tầng) người ta lo ngại trộm cắp thì ở các chung cư mới cao tầng, người dân lại lo lắng vấn đề rơi, ngã từ trên cao xuống. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại