Thứ hai 25/11/2024 23:17
Giá xăng dầu tăng – Tăng áp lực lớn đến chỉ số giá tiêu dùng:

Bài cuối: Cần thiết phải giảm thuế, phí xăng dầu để bình ổn giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giá xăng tăng cao đang là vấn đề đáng lo ngại, có tính tác nhân kích thích lạm phát gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục cần có nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, tài khóa và tài chính, sự bình ổn của thị trường nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh và phát triển. Do đó, để bình ổn giá thì phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế, phí xăng dầu.
Bài cuối: Cần thiết phải giảm thuế, phí xăng dầu để bình ổn giá
Giá xăng dầu phá "đỉnh" khiến các nhóm hàng hóa khác cũng tăng cao. Đẩy CPI hai tháng đầu năm tăng tới 1,68%

Xăng dầu khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng

Ngày 1-3, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể bắt đầu từ 15g ngày 1-3, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự 550 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, dầu hỏa tăng 470 đồng/lít còn dầu mazut tăng 530 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON 95, E5 RON 92 và diesel ở mức 220-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg.

Như vậy, thị trường xăng dầu trải qua lần thứ 6 tăng liên tiếp, ở mức cao kỷ lục. Trước đó tại kỳ điều chỉnh hôm 21/2, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng đã tác động mạnh đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng, dẫn đến tăng áp lực lớn đến chỉ số giá tiêu dùng:

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 của cả nước tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

CPI tháng 2 tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi lên.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 của toàn TP tăng 1,16% so với tháng trước. Nhóm giao thông tăng 2,17% so với tháng trước (tác động làm tăng CPI chung 0,21%) chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 của toàn TP tăng 1,16% so với tháng trước, tăng 1,26% so với tháng 12-2021 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 2, nhóm giao thông tăng 2,17% so với tháng trước (tác động làm tăng CPI chung 0,21%) chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay (xăng tăng 8,1%; dầu diezen tăng 7,3%).

Tiếp theo là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 2,02% (tác động làm tăng CPI chung 0,63%) do nhu cầu tiêu thụ của người dân trong dịp Tết tăng cao (trong đó, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,28%; thực phẩm tăng 1,74%; lương thực tăng 0,66%).

Đáng chú ý, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,78% (tác động làm tăng CPI chung 0,09%) do trong tháng Thành phố tiếp tục cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, khu di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đón du khách sau thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,12% (tác động làm tăng CPI chung 0,23%) do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao (gas tăng 3,39%; dầu tăng 8,39%).

Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình bằng tháng trước.

Trong 2 tháng đầu năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giao thông tăng 13,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,76%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,18%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,85%. Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,54%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,3%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,96%.

Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,42%; giáo dục giảm 3,4%.

Cần thiết phải giảm thuế, phí xăng dầu để bình ổn giá

Chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lúc này là giải pháp tốt nhất hiện nay khi dư địa điều hành không còn nhiều”.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lúc này là giải pháp tốt nhất hiện nay khi dư địa điều hành không còn nhiều”.

Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng đã tác động mạnh đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng, dẫn đến tăng áp lực lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.

Trước tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao, Thủ tướng mới đây yêu cầu 2 bộ Công Thương và Tài chính tính toán đề xuất phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng là rất quyết liệt, kịp thời, đúng mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Trong thời điểm cuộc chiến Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước thì việc xem xét cắt giảm thuế xăng dầu là rất cần thiết.

Hiện thuế nhập khẩu xăng dầu trong nước là 0 - 8%; thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% (xăng dầu không thuộc nhóm hàng giảm thuế); thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là 10% (không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Còn thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.

Ngoài ra, mỗi lít xăng đang “cõng” thêm khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng. Như vậy, ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu thuế, phí khoảng 42 - 43%, dầu 21 - 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 - 11.300 đồng tiền thuế, phí.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, giá xăng tăng cao đang là vấn đề đáng lo ngại, có tính tác nhân kích thích lạm phát gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục cần có nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, tài khóa và tài chính, sự bình ổn của thị trường nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh và phát triển.

Từ đó, các loại mặt hàng, dịch vụ sẽ theo giá xăng, tạo ra mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại, tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch, đồng thời người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng của việc tăng giá này.

Diễn biến thị trường trên đòi hỏi giải pháp linh hoạt khi điều hành giá xăng dầu bán lẻ, song hành nỗ lực kiểm soát giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để tác động quá lớn tới đời sống người dân.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế, phí xăng dầu để bình ổn giá. “Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lúc này là giải pháp tốt nhất hiện nay khi dư địa điều hành không còn nhiều. Dù giảm thuế bảo vệ môi trường nhưng ngân sách vẫn có nguồn thu tăng lên từ nhập khẩu xăng dầu. Đây là cách nhà nước chia sẻ tốt nhất với người dân lúc này”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Chuyên gia Ngô Trí Long ( nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong 4 loại sắc thuế đang áp dụng với xăng thành phẩm, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm.

Trong điều hành giá xăng dầu hiện nay, Nhà nước có hai công cụ là giá và thuế, phí. Nếu chúng ta chủ trương để giá xăng dầu theo giá thị trường thì thời điểm này phải tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát lại đang là mục tiêu số 1. Nếu để tăng giá xăng theo giá thế giới thì lạm phát sẽ bùng lên ngay. Do đó Nhà nước cần sử dụng công cụ thứ hai là thuế và phí để bớt áp lực tăng giá trong nước và giảm lỗ cho doanh nghiệp.

Theo ông Long, nên giảm thuế nhập khẩu dầu từ mức 3% hiện nay xuống còn 0%, tương tự như mặt hàng xăng. Ngoài ra, có thể xem xét giảm bớt các khoản phí trong một thời gian nhất định. Ví dụ, giảm phí xăng từ mức 1.000 đồng/lít hiện nay xuống còn 500 đồng/lít.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, nếu đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu, Chính phủ cần dùng ngân sách để bù lỗ. Ví dụ ngân sách thu được từ nguồn dầu thô xuất khẩu tăng giá mạnh trong thời gian qua có thể bù lại đáng kể việc tăng giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối và các đại lý cần tiết kiệm tối đa hao hụt, chi phí quản lý, vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, nguồn cung có gián đoạn cục bộ, ngày 22-2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, đề xuất phương án thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-2. Ngày 1-3, theo đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

Về nguồn cung, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện việc bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong quý II-2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5-2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 06 tháng cuối năm 2022.

Bài 2: Áp lực lạm phát?
Bài 1: Tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động