Bài 2: Áp lực lạm phát?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác chuyên gia kinh tế cho rằng, giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, gây thêm lo ngại về sức ép lạm phát |
Theo chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chiến sự Nga - Ukraine leo thang đã khiến giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, gây thêm lo ngại về sức ép lạm phát trên toàn cầu. Giá dầu có thể đạt tới 150 USD/thùng khi xung đột Nga - Ukraine. Giá xăng dầu thành phẩm Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. “Với tình hình diễn ra như phân tích trên, lạm phát của Việt Nam năm nay khó giữ được ở mức dưới 4%”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, chiến sự Nga - Ukraine leo thang không chỉ "kích thích" đà tăng của giá dầu, mà còn tăng giá nguyên liệu, kim loại trên thế giới.
Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, đẩy tình hình lạm phát của cả nền kinh tế tăng lên, không chỉ Việt Nam mà còn ở toàn cầu. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược, chính sách tiền tệ trong bối cảnh các doanh nghiệp mới đang hồi phục trở lại sau đợt Covid-19 vừa qua.
Giá xăng tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đang thực hiện trong năm nay.
Ngoài ra, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa khác, từ đó sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, còn thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này khiến cho tiến trình phục hồi kinh tế bị chậm lại.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.
Theo ông Long, yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng khi chiến sự Nga - Ukraine leo thang thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: Đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
“Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Bài 1: Tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại