Thứ bảy 16/11/2024 10:12
Lừa đảo trực tuyến:

Người dân vẫn tiếp tục bị sập bẫy với nhiều hình thức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Người dân vẫn tiếp tục bị sập bẫy với nhiều hình thức
Mỗi thành viên khi tham gia vào đường link sẽ phải đăng ký phí ban đầu với số tiền 300 nghìn đồng. Ảnh: NS

Nhẹ dạ cả tin

Nghỉ hưu đã lâu, cô N.H.H. (60 tuổi - yêu cầu giấu tên) có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ để dành cho tuổi già. Ít dùng mạng xã hội nên cô không nắm được nhiều thông tin cảnh báo về các vụ lừa đảo đã xảy ra trước đó, cô đã tham gia vào một hội nhóm trên facebook có tên “Kết nối yêu thương”, thành viên phần lớn là những người cùng lứa tuổi với cô, có những hoàn cảnh éo le hoặc cô đơn.

“Sau một thời gian trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện của bản thân, tôi được một người đàn ông tên là Hùng hướng dẫn tải ứng dụng Telegram với lí do các thành viên đều tham gia trao đổi thông tin của nhóm trong ứng dụng đó”, cô H chia sẻ.

Nắm bắt được tâm lý của nhiều phụ nữ có tuổi đang sống một mình, những đối tượng buông lời quan tâm để lấy lòng tin. “Tham gia nhóm được 1 tháng thì tôi được một người phụ nữ tên Hiền rủ làm nhiệm vụ quay thưởng. Người phụ nữ này tự giới thiệu làm trong ngành Công an, hoàn cảnh cũng không may mắn như tôi, lại cho xem các bill chuyển khoản nhận được tiền thưởng với tổng số tiền lên đến hơn 1,2 tỷ đồng nên tôi cũng khá đắn đo” - cô H kể lại.

Người dân vẫn tiếp tục bị sập bẫy với nhiều hình thức
Những nhóm zalo “trá hình” nhằm thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia vào đầu tư tiền ảo. Ảnh: NS

Theo cô H, ban đầu họ dẫn dụ cho quay thưởng, cô cũng nhận được số tiền sau nhiều lần quay lên đến 20 triệu đồng. “Cũng tin tưởng lại thấy nhận được tiền thật, hơn nữa được cam kết rằng không thể mất được tiền vì mỗi thành viên tham gia đều có một mã số riêng, như một khoản tiết kiệm, lãi suất lại cao hơn so với ngân hàng, nên tôi rút toàn bộ khoản tiết kiệm hơn 200 triệu đồng để tham gia vào một đường link kèm theo hướng dẫn mà các đối tượng này cung cấp. Khi muốn rút tiền đầu tư, các đối tượng này yêu cầu tôi nạp thêm nhiều loại thuế, phí khác. Vì nóng lòng lấy lại tiền, tôi tiếp tục vay thêm 60 triệu đồng để làm theo yêu cầu cho đến khi nhận ra mình bị lừa” - cô H cho biết.

Không chỉ là những người về hưu, các đối tượng này còn nhắm vào những bà mẹ bỉm sữa đang có nhu cầu tìm việc online hoặc những người có con trong độ tuổi đi học dưới hình thức lập các nhóm zalo mang tên “Nhóm GVCN gửi thông tin đến quý PHHS”.

Tham gia vào nhóm, PV thấy nhiều thành viên nhận được tiền sau những phiên chốt lệnh của “cô giáo” chỉ điểm mà không thấy có thông tin nào về tình hình học tập của các con. Thậm chí, cô giáo còn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các khung giờ vào chốt để bố mẹ kiếm được tiền thông qua đường link futurestrader.trading. Với khoản đầu tư ban đầu chỉ 300 nghìn đồng được chuyển vào một tài khoản thụ hưởng của một công ty được thành lập trong tháng 8/2024, có địa chỉ tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Nếu người chơi tham gia được vào đủ các khung giờ, thu nhập có thể lên đến tiền triệu trên một ngày.

Sau nhiều lần được cô giáo “động viên”, thậm chí còn thúc giục PV đăng ký tài khoản nhanh để cùng nhau kiếm tiền thì nhóm zalo trên đã được chủ động giải tán sau chưa đến 48 giờ hoạt động.

Người dân vẫn tiếp tục bị sập bẫy với nhiều hình thức
Những nhóm lừa đảo làm nhiệm vụ online trên Telegram Ảnh: NS

Thủ đoạn tinh vi, biến hóa khôn lường

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, có 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Các hình thức này đươc chia thành 3 nhóm chính, đó là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Các đối tượng lừa đảo nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Người dân vẫn tiếp tục bị sập bẫy với nhiều hình thức
Đường link tham gia vào một Sàn giao dịch nhị phân thông qua nhóm zalo GVCN. Ảnh: NS

Các hình thức này có thể được kể đến như: lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,... giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, DN (BHXH, ngân hàng…); lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển CTV online; đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,..; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên facebook; lừa đảo cho số đánh đề.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng
Người phụ nữ mất hơn 17 tỷ đồng khi tin lời “người quen” trên mạng Người phụ nữ mất hơn 17 tỷ đồng khi tin lời “người quen” trên mạng
Chiêu trò lừa đảo thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí Chiêu trò lừa đảo thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động