Thứ sáu 22/11/2024 22:00
Lại chuyện vay qua app:

Bài 2: Vay qua app - Lãi suất khủng và đối tác giải ngân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Qua câu chuyện của chị Nga, phóng viên đã tìm hiểu và vào trang web của Công ty TNHH ATM Online, ở đây, với những hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu trên ngay trên web, có vẻ như việc thực hiện vay rất dễ dàng.
Bài 2: Vay qua app -  Lãi suất khủng và đối tác giải ngân
Bảng minh họa số tiền vay 3 tháng trên web ATM Online

Vay 3 triệu nhưng tiền thực trả gần… 6,7 triệu đồng

Theo đó, nếu khách hàng muốn vay số tiền 3 triệu với thời hạn 3 tháng, lãi suất mà khách hàng phải chịu sẽ là 12%/năm. Lãi suất sẽ giảm dần theo số tiền gốc trả theo từng tháng. Tuy nhiên, để vay được số tiền 3,5 triệu với lãi suất đó, người vay buộc phải chịu thêm 3 khoản sau: Phí nền tảng, phí tư vấn và phí dịch vụ với số tiền lần lượt cho từng loại phí là: 450 nghìn, 450 nghìn và 504 nghìn. Cùng với lãi suất 12%/năm, số tiền lãi tương ứng cho 3 tháng của 3 triệu sẽ là hơn 60 nghìn đồng. Như vậy, thực tế tổng số tiền khách hàng cần thanh toán là hơn 4,4 triệu.

Tuy nhiên, trong bảng diễn giải việc trả nợ và khoản thanh toán thường kỳ thì phóng viên lại gặp tiếp những… bất ngờ. Theo như bảng diễn giải, với khách hàng mới khi vay 3 triệu đồng trong thời gian 3 tháng, khách hàng sẽ phải trả hàng tháng số tiền: 2.232.100 đồng. Như vậy, để được cầm số tiền 3 triệu, số tiền người vay sẽ phải trả là 6.696.300 đồng!

Câu chuyện tính toán lãi suất cũng như các loại phí trên trời rơi xuống này đối với những người đã từng vay qua app không phải chuyện lạ. Theo đó, anh T.T (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết một câu chuyện rất rõ ràng về cách tính của các công ty cho vay trên mạng này.

Theo đó, anh cho biết cuối tháng 11/2020, anh cần khoảng 3 triệu đồng lo việc gia đình nên truy cập một app để vay tiền.

Khoảng 15 phút sau, tài khoản ngân hàng của anh T.T. báo có nhận tiền là 3,5 triệu đồng do một công ty TNHH, sau này anh mới biết đó là công ty đối tác giải ngân của app anh vay chuyển. Tuy nhiên đến ngày hôm sau, app này chuyển qua email của anh T. bảng thanh toán khoản vay trong 90 ngày, đóng 6 kỳ, 15 ngày đóng 1 kỳ.

Theo thông báo từ app này gửi tới khách hàng, khoản vay 3,5 triệu đồng này sẽ được thanh toán 15 ngày/lần, mỗi lần 2.852.500 đồng. Tính ra, tổng lãi và phí các loại phải trả là 13,615 triệu đồng trong 3 tháng cộng cả các loại phí (phí dịch vụ, phí tư vấn…) vào, số tiền anh vay đã lên đến… 17,115 triệu đồng.

Vậy mỗi tháng, khách hàng này phải trả lãi và phí các loại lên tới 4.583.333 triệu đồng, tương đương mức lãi suất lên tới 129,6%/tháng. Nếu tính theo năm, khoản vay này ông T.T, sẽ phải trả mức lãi suất tương đương trên cả 1.000%/năm.

Vay qua app nhưng giải ngân lại là một công ty… cầm đồ

Quay lại câu chuyện của chị Nga, vì sao việc vay qua app với ATM Online lại phải ký tới… 3 hợp đồng, và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ 24h có vai trò gì trong câu chuyện này? Từ vay qua app, tại sao lại biến thành vay cầm cố? Và vay cầm cố có nghĩa người vay và bên cho vay phải trực tiếp gặp mặt, vậy tại sao lại có chuyện chứng minh thư một đằng, người cho vay 1 nẻo như vậy.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các cách thức của các app cho vay hoạt động bấy lâu nay thì thấy rằng, hầu hết các app cho vay đều có những đối tác giải ngân. Cụ thể như câu chuyện của chị Nga, khi khách hàng đăng ký qua web ATM Online khách hàng vay phải ký nhiều hợp đồng cùng lúc với hai công ty có chủ thể khác nhau.

Ví dụ như trước đây, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tài chính OnCredit (phường An Phú, quận 2 - đơn vị vận hàng app OnCredit) liên kết với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lợi Tín (phường 10, quận Tân Bình) để giải ngân cho người vay.

Công ty TNHH ATM Online Việt Nam (phường 25, quận Bình Thạnh - đơn vị vận hành web ATM Online) liên kết với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TM24H (phường 1, quận Phú Nhuận) để giải ngân cho người vay.

Vụ việc của chị Nga gặp mới đây cũng như vậy. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ 24h chính là đơn vị đối tác giải ngân cho ATM Online. Cụ thể, khi có nhu cầu vay, người vay phải ký "Hợp đồng cho thuê tài sản" và "Hợp đồng vay cầm cố" với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TM 24H. Cùng với việc ký 2 hợp đồng trên, khách cũng ký "Hợp đồng cung cấp dịch vụ" với Công ty TNHH ATM Online Việt Nam.

Lý giải về việc ký các hợp đồng này, dại diện một công ty tài chính cho biết, Công ty TM24H là đơn vị cầm đồ giải ngân khoản vay cho khách theo phương thức cầm cố tài sản là chiếc điện thoại của khách vay.

Tuy nhiên, trên thực tế TM24H không cầm giữ tài sản của khách vay, vì vậy giữa khách hàng và công ty sẽ ký thêm hợp đồng cho thuê tài sản và hoặc nhờ giữ tài sản. Điều này đồng nghĩa, khách hàng vay trên danh nghĩa là cầm cố chiếc điện thoại, nhưng chiếc điện thoại đấy khách vẫn giữ và sử dụng bình thường.

Như vậy, thực tế có khá nhiều "công ty tài chính" giải ngân cho app đều có cách thức tương tự như Công ty TM24H. Các công ty này, chức năng chính là kinh doanh cầm đồ, nhưng thực tế không hoạt động theo kiểu cầm đồ truyền thống, mà chủ yếu lập ra để giải ngân khoản vay cho các app. Một số công ty vận hành app và công ty giải ngân cho app là do cùng một chủ đầu tư lập ra. Tuy nhiên, trên danh nghĩa pháp lý thì hai công ty này có tư cách pháp nhân và chủ sở khác nhau.

(Còn nữa)

Bài 1: Vay qua app - Khi “kẻ cắp - bà già” gặp nhau Bài 1: Vay qua app - Khi “kẻ cắp - bà già” gặp nhau
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động