Thứ năm 25/04/2024 17:42
Ngăn cản cha – mẹ gặp con:

Bài 2: Ngăn cản cha/mẹ gặp con là hành vi vi phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tìm mọi cách để ngăn cản con không cho gặp cha/mẹ sau khi ly hôn không chỉ làm tổn thương người làm cha/mẹ mà nó còn khiến những đứa con mất đi cái quyền được chăm sóc, được thương yêu. Bên cạnh đó, việc ngăn cản cha/mẹ gặp con hoàn toàn là những hành vi vi phạm pháp luật.
Bài 2: Ngăn cản cha/mẹ gặp con là hành vi vi phạm pháp luật
Ngăn cản cha/mẹ gặp con là hành vi vi phạm pháp luật

Ngăn cản gặp gỡ, nói xấu mẹ để con cái tự xa lánh

Chị là gái Hà Nội chính chuyên, vốn là một giảng viên tại một trường đại học. Lấy chồng, chị nghĩ vì gia đình chồng neo người, con cái lại nhỏ dại nên đã bỏ việc để cắm mặt thờ chồng, nhấn nhịn chăm bố mẹ chồng, chăm con. Thế nhưng ngược lại với những gì chị hi sinh, chồng chị đã ngoại tình. Về nhà, anh ta hắt hủi vợ, chê vợ ăn bám, vô tích sự. Căng thẳng, đau đớn, tủi nhục chị đã bị stress đến gần phát điên. Cuối cùng không thể chịu đựng được, chị ra tòa ly hôn, rời khỏi nhà chồng với chỉ 50 nghìn trong túi.

Khốn khổ hơn, khi trở về nhà bố mẹ đẻ, chị lại nhận được sự lạnh nhạt, hắt hủi của chính những người sinh ra mình. Bố mẹ chị bảo, chị có làm sao thì chồng mới bỏ. Và đau đớn hơn, chồng, mẹ chồng chị ngăn chị đến thăm con. Hàng ngày họ reo rắc vào đầu lũ trẻ mẹ chúng là loại gái hư thân, mất nết, ăn bám. Các con dần xa lánh chị. Nhưng chị vẫn khát khao gặp con, không gặp được ở nhà, chị lén lút đến trường để tranh thủ ôm con lúc con nghỉ trưa nhưng vẫn bị ngăn cản.

Cực chẳng đã, chị tìm đến các tổ chức để kêu cứu. Cuối cùng, chị nhờ phóng viên của một tờ báo lên tiếng. Đồng thời chị cũng thoát khỏi cơn trầm cảm và nỗ lực lấy lại vị trí, công việc của bản thân mà trước kia chị đã bỏ để chăm sóc gia đình. Chị kể, thời gian chị bị khủng bố về tinh thần để không gặp được con kéo dài nhiều năm. Nhiều người thương, nhiều người giúp chị nhưng gia đình chồng cũ của chị cũng luôn thuê người tư vấn để lách luật. Thậm chí, họ còn tìm hiểu về từng người giúp chị, chỉ rình khi họ có sơ hở là tố, là gây áp lực để họ chán nản, phải buông tay.

Sau một thời gian dài tranh đấu, chị mới tìm lại được những gì của chị. Con cái cuối cùng cũng hiểu ra mà tìm về với chị.

Anh N.V.M (Hà Nội) chia tay với vợ, đứa con chung được tòa phán quyết cho mẹ nuôi. Sau ly hôn, anh M. bị vợ cũ và cả gia đình vợ ngăn cản không cho gặp con. Họ không cho anh tới nhà, anh tới trường muốn gặp con thì họ gửi cảnh báo đến hiệu trưởng là có người muốn bắt cóc cháu nên nhà trường không dám cho ai tiếp cận đứa bé. Mấy năm trời nhớ con, thương con anh chỉ biết đứng nhìn con từ xa.

May mắn, cô giáo chủ nhiệm lớp con anh học biết chuyện nên lén lút cho anh gặp con trong giờ ra chơi. Hai bố con gặp nhau nước mắt ngắn dài. Cô giáo dặn, việc hai cha con gặp mặt nhau không được lộ ra ngoài bởi nếu ông bà ngoại cháu bé biết chắc chắn cô sẽ bị đuổi việc. Và rồi thỉnh thoảng, cô giáo lại lấy điện thoại của mình để hai bố con gọi cho nhau…

Ngăn cản cha/mẹ gặp con là hành vi vi phạm pháp luật

Mặc dù bị ngăn cản bố/mẹ được gặp con, nhưng những đứa trẻ kể trên đều may mắn hơn trường hợp bé N.T.V.A (8 tuổi, TP Hồ Chí Minh). Ít nhất, những đứa trẻ ấy vẫn còn khỏe mạnh và ít nhất cũng cảm nhận được đủ tình yêu thương từ bố/mẹ. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do nào, việc ngăn cản cha/mẹ gặp con vẫn là những hành vi vi phạm pháp luật.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Đồng thời ở khoản 2 Điều 83 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Còn tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Khoản 1 Điều 28 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định về vi phạm quy định về cấm xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác như sau: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

Đồng thời, luật sư Hùng cũng cho biết, nếu khi có đủ chứng cứ về hành vi cản trở thăm con của cha mẹ hay ông bà… người bị cản trở có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án hoặc công an nhờ can thiệp.

“Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị ngăn cản thăm nom chăm sóc giáo dục con chung và có đủ chứng cứ chứng minh sự ngăn cản này ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con chung thì có quyền gửi đơn đến tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.” – luật sư Hùng nói.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động