Bác sỹ tim mạch và nỗi ám ảnh về ca bệnh tai biến hậu Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh có dấu hiệu khó thở, nhịp tim nhanh cần đi khám kịp thời (ảnh minh hoạ) |
Đó là dòng trạng thái chia sẻ của bác sỹ Đào Huy Hiếu, chuyên ngành Phẫu thuật Tim mạch, thành viên nhóm Bác sỹ Quân y tham gia hỗ trợ tại nhà cho F0-người từng có thời gian hơn 2 tháng tham gia hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Chỉ cách đây mấy ngày, chính bác sỹ Hiếu đã chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân nam, 25 tuổi ở Hà Nội bị huyết khối phổi sau khi khỏi Covid-19 được 2 tuần nhưng được cứu sống trong gang tấc nhờ đi khám kịp thời. Tuy nhiên, không may mắn như trường hợp đó, trường hợp người bệnh ngày 7-4 đã có diễn biến rất nhanh và tử vong mặc dù bác sỹ đã nỗ lực cấp cứu.
Bác sỹ Hiếu bày tỏ: Chỉ trong vòng 3 ngày tôi đã chứng kiến 2 trường hợp bệnh nhân rất trẻ tuổi, đều chung tiền sử bệnh là mới khỏi Covid được 2 tuần. Bệnh nhân trước 25 tuổi may mắn hơn thoát chết nhờ đi khám. Nhưng bệnh nhân hôm nay sinh năm 1984 thì xấu số hơn mọi nỗ lực của nhân viên y tế đã không thể cứu được.
Theo đó, khoảng 19g45 ngày 7-4, khi bác sỹ Hiếu vừa dứt trận đá bóng ở sân thì một cuộc điện thoại thất thanh của chị hàng xóm “A lô em đang ở đâu đấy? Khu mình có người nặng lắm, em về ngay nhé”.
Lúc ấy, mồ hôi ướt đẫm, bác sỹ Hiếu cùng một đồng nghiệp hay đá bóng với nhau đã lao về trong vòng khoảng 7 phút. Vào nhà bệnh nhân, chứng kiến bệnh nhân nằm trên sàn nhà và đã tiểu ra quần. Bác sỹ Hiếu kiểm tra mạch cảnh không bắt được. Lúc này bệnh nhân đã hoàn toàn mất ý thức, ngừng thở, đồng tử giãn tối đa.
Lập tức các kỹ thuật hồi sinh tim phổi: Ép tim và thổi ngạt được thực hiện. Đồng thời bác sỹ Hiếu quay sang giải thích gia đình là bệnh nhân đã tử vong. Khoảng 2 phút sau thì xe cấp cứu 115 cũng đến. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và bóp bóng ngay, cùng đó là dùng Adrenalin ngay lập tức.
“Biết rằng những cố gắng hầu như là vô vọng nhưng nghe tiếng gào khóc của vợ bệnh nhân và ánh mắt đứa con thơ, cả kíp không đành lòng buông xuôi. 45 phút trôi qua bệnh nhân vẫn không có mạch, cả kíp biết rằng cơ hội hầu như đã chấm dứt", bác sỹ Hiếu trải lòng.
Với trường hợp bệnh nhân này đã khỏi Covid-19 được 2 tuần, căn cứ vào các triệu chứng như trên bác sỹ Hiếu nhận định khả năng người bệnh bị huyết khối (đông máu) do nhiễm Covid-19. Huyết khối có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí mạch nào nhưng diễn biến nhanh và đột ngột thì hay gặp ở phổi và tim.
Khi huyết khối ở phổi gây nếu không phát hiện sớm và xử trí, cục máu đông có thể gây hoại tử mô phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Đối với biến chứng bệnh tim mạch hậu Covid-19 có thể xảy ra trên cả những người có sẵn bệnh nền và người khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Theo các nghiên cứu y khoa cho thấy, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra cục máu đông, trong đó, có nguyên nhân liên quan đến bệnh lý như: Xơ vữa động mạch, rung tâm nhĩ, tiểu đường, ung thư, hút thuốc nhiều... Đông máu có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi nhưng những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như đã nêu trên có thể làm tăng tỷ lệ rủi ro.
Từ trường hợp đáng tiếc trên, bác sỹ Hiếu khuyến cáo: Trong y học cùng một mặt bệnh nhưng mỗi người khác nhau sẽ khác nhau và không ai giống ai. Người ta khỏi không chắc mình đã khỏi. Người ta không sao thì cũng chưa chắc mình không sao!
"Mong mọi người đừng chủ quan với Covid-19. Chúng ta không bi quan nhưng đừng chủ quan, nhất là với những người có các triệu chứng kéo dài như ho, khó thở, nhịp tim nhanh", bác sỹ Hiếu nói.
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-ai-co-nguy-co-cao-mac-hoi-chung-hau-covid-19-281208.html
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại