Thứ năm 28/03/2024 20:20

Hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ, không thể xem thường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tính đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, nguy cơ lây lan dịch vẫn rất cao…
Các phụ huynh đừng chần chừ đưa con em đi tiêm chủng để phòng chống dịch Covid-19
Các phụ huynh đừng chần chừ đưa con em đi tiêm chủng để phòng chống dịch Covid-19

Phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên hiện nay có nhiều gia đình có con nhỏ đã nhiễm Covid-19 từ chối tiêm vắc-xin vì sự những tác dụng phụ có thể xảy ra với con em mình.

Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy: số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước. "Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…”, TS Dương cho hay.

Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.

Tại BV Nhi Trung ương, con số trẻ bị mắc hội chứng MIS-C là khoảng 283 ca trên tổng số 756 ca tới khám hậu Covid-19. PGS, TS Trần Minh Điển, GĐ BV Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, BV tiếp nhận khoảng 9.870 bệnh nhi mắc Covid-19, trong đó có 1.028 bệnh nhi đều trị nội trú tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, chủ yếu là ca nặng, nguy kịch. Tháng 4, BV thành lập phòng khám Hậu Covid-19 với tổng số điều trị là 756 lượt bệnh nhi. Trong số các ca mắc Covid-19 phải nhập viện, hầu hết được cứu chữa thành công. Tỷ lệ tử vong rất thấp với 30 ca (tỷ lệ 0,029%), chủ yếu trên nền bệnh nhi mắc bệnh nền ung thư, teo mật bẩm sinh, suy gan cấp, viêm não.

Trong số các ca điều trị hậu Covid-19, đã xác định có 283 mắc MIS-C. Trong đó, chủ yếu là xảy ra ở nhóm tuổi 5-12 với 63,3%. Thời điểm này chưa có vắc-xin để tiêm phòng cho lứa tuổi này. Có khoảng 62,4% các trường hợp này cần điều trị hồi sức như thở ô-xy, thở máy. Trong số các ca mắc MIS-C, triệu chứng hay gặp là 100% bệnh nhân sốt cao, 70% đỏ ban ngoài da, 80% đỏ mắt, 60% nhập ICU, 50% có hạ huyết áp - bệnh lý nguy kịch có thể tử vong cao. Theo GĐ BV Nhi Trung ương, hiện bệnh học hậu Covid-19 cần theo dõi nghiên cứu tiếp vì đây là vấn đề thế giới và Việt Nam vẫn đang tìm hiểu để đưa ra khuyến cáo và giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến thể phụ của Omicron là BA.5. Nếu tiếp tục có đột biến mất đoạn, biến thể có nguy cơ cao kháng vắc-xin, lây lan nhanh, gây ra tình trạng trở nặng cho người nhiễm thì khi đó các biện pháp phòng, chống không đơn thuần là tiêm vắc-xin mà phải có biện pháp tổng thể vừa hành chính xã hội, vừa có các biện pháp y tế…

Tại các địa phương, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, BV, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vắc-xin là Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.
Đi khám hậu Covid-19, người đàn ông phát hiện ra căn bệnh có nguy cơ gây đột tử
Bộ Y tế đề nghị tránh lạm dụng chỉ định khi khám, chữa bệnh hậu Covid-19
Lan tỏa chương trình “Thầy thuốc trẻ Thủ đô, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19” năm 2022
Hậu Covid-19 vẫn hiện hữu, được biết đến với nhiều dấu hiệu
Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động