Thứ năm 23/01/2025 20:19
Phân xử thế nào? - bài 4

Khi chủ hụi “ôm” tiền tiêu xài riêng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vợ chồng bà V là chủ hụi, thu tiền của bà H. Đến phiên trả nhưng họ lại đem tiền tiêu xài mà không đưa cho người chơi…

Vợ chồng bà Trần Thị V, SN 1966; ông Lưu Kính L, SN 1968 – đều quê Sóc Trăng, là chủ hụi. Bà Nguyễn Ngọc H, SN 1970, quê Sóc Trăng có tham gia chơi hụi. Dây hụi thứ nhất khui ngày 11-10-2015, mỗi “chân” 500 nghìn đồng. Dây hụi này bà H góp 10 “chân”, gồm 39 thành viên. Bà này góp vào được 31 “chân” với tổng số tiền 155 triệu đồng, dự kiến ngày 18-11-2016 mãn hụi.

Dây hụi thứ 2 khui ngày 8-4-2016, mỗi “chân” 1 triệu đồng, bà H góp vào 3 “chân”, có 40 thành viên tham gia. Bà H đóng cho vợ chồng bà V được 12 lần với tổng số 36 triệu đồng. Dự kiến ngày 26-2-2017 mãn hụi nhưng đến ngày 31-8-2016 thì vợ chồng bà Trần Thị V công bố ngưng hụi. Tổng số tiền 2 dây hụi bà H góp cho bà V là 191 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng bà V chỉ trả cho bà H 12 triệu đồng nên vợ chồng bà V còn nợ bà H 179 triệu đồng và khởi kiện ra tòa.

Tại các phiên tòa hòa giải và phiên tòa sơ thẩm, bà V thừa nhận số hụi còn nợ bà H là 136,3 triệu đồng. Do đó, nguyên đơn yêu cầu tòa án giải, quyết buộc bà V, ông L phải hoàn trả cho bà H 136,3 triệu đồng và yêu cầu tính lãi (0,83%/tháng) tính từ ngày mãn hụi (từ ngày 31-8-2016 đến ngày xét xử sơ thẩm).

Bà V trình bày, bà còn nợ bà H 148,3 triệu đồng. Sau đó, bà có trả cho bà H 12 triệu đồng. Hiện nay, bà còn nợ bà H 136,3 triệu đồng. Nay bà chỉ đồng ý trả cho bà H số tiền hụi này, không đồng ý trả lãi. Hiện, gia đình bà khó khăn, không có khả năng trả nợ. Bà và ông L là vợ chồng nhưng bà là chủ hụi. Bà V đã dùng để chi xài cá nhân và do bị người khác giật hụi nên bà không có tiền trả. Ông L không tham gia nên không thể yêu cầu ông L cùng trả tiền nợ hụi.

bai 4 khi chu hui om tien tieu xai rieng
ẢNH MINH HỌA

Ông L đã được tòa cấp tống đạt thông báo về việc thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử và quyết định hoãn phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt tại tòa. Trong đơn yêu cầu, ông L trình bày, ông không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì ông không biết chơi hụi và cũng không tham gia chơi hụi.

Phát biểu tại tòa, kiểm sát viên nói, quá trình thụ lý và tại tòa, thẩm phán và HĐXX đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với bị đơn là ông L, tòa án triệu tập và tống đạt hợp lệ các văn bản theo thủ tục tố tụng nhưng vắng mặt không có lý do là chưa chấp hành đúng theo quy định của pháp luật. Đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc các bị đơn có trách nhiệm liên đới trả cho nguyên đơn số tiền hụi là 136,3 triệu đồng và tiền lãi với lãi suất 0,83%/tháng tính từ ngày 31-8-2016 đến ngày xét xử sơ thẩm (hơn 12 triệu đồng).

HĐXX nhận định, đại diện của nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền hụi là 136,3 triệu đồng. Căn cứ khoản 1 Điều 92 Bộ luật TTDS năm 2015 thì đây là tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh. Theo Điều 15 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường thì chủ họ (chủ hụi) phải có nghĩa vụ “giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ”. Bà V là chủ hụi, đã thu tiền hụi của nguyên đơn nhưng khi nguyên đơn được lĩnh hụi thì bà V chưa giao phần hụi cho bà H, vi phạm Điều 15 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.

Về tiền lãi, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn yêu cầu tòa án giải quyết, buộc bị đơn là bà V, ông L phải trả tiền lãi cho nguyên đơn theo lãi suất 0,83%/tháng trên số tiền hụi gốc là 136,3 triệu đồng tính từ ngày mãn hụi đến khi kết thúc vụ án. Tuy nhiên bà V không đồng ý trả lãi. Phía nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất là ngày mãn hụi vào 31-8-2016. Xét thấy hụi mà nguyên đơn và bị đơn chơi là có lãi nên việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lãi với lãi suất 0,83% tháng là phù hợp theo khoản 2 Điều 468, khoản 3 Điều 471 BLDS năm 2015. HĐXX chấp nhận yêu cầu tính lãi của nguyên đơn và tính tổng gốc, lãi là gần 149 triệu đồng.

Bà V, ông L là vợ chồng nhưng cả hai đều không chứng minh được việc sử dụng tiền chơi hụi vào mục đích riêng của bà V mà không sử dụng vào sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Trong thời gian bà V làm chủ hụi thì ông L đều biết. Do vậy, ông L phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ cùng bà V. Từ những phân tích trên, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc bà V, ông L có trách nhiệm liên đới trả cho nguyên đơn số tiền gần 149 triệu đồng. Bà V, ông L phải chịu án phí sơ thẩm.

(Còn tiếp)

bai 4 khi chu hui om tien tieu xai rieng Khi chủ hụi “ôm” tiền tiêu xài riêng
bai 4 khi chu hui om tien tieu xai rieng Phân xử thế nào? - Bài 3: Khi mục đích hôn nhân không đạt được…
bai 4 khi chu hui om tien tieu xai rieng Phân xử thế nào? - Bài 2: Mua bán người chưa thành, vẫn phải chịu tội
bai 4 khi chu hui om tien tieu xai rieng Phân xử thế nào? - Bài 1: Cơ sở bác phản tố của anh trai với em gái
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động