Phân xử thế nào? - Bài 3: Khi mục đích hôn nhân không đạt được…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênYêu và đi đến cưới hỏi, chị Phạm Thanh H, SN 1981, quê Thái Bình, không muốn đặt dấu chấm “chơi vơi” cho cuộc hôn nhân của mình. Chị H trình bày, chị và anh Nguyễn Đức C, SN 1978, đồng hương, đăng ký kết hôn năm 2014. Sau đám cưới, họ sống cùng nhà với bố mẹ anh C. Nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Như lời chị, nguồn cơn là tính cách không hợp, thường xuyên bất đồng quan điểm. Người vợ này còn “tố” chồng, không tu chí làm ăn. Rảnh rỗi là anh C lại nhậu nhẹt và sau rồi thì buông lời xúc phạm, đánh đập vợ. Chị còn cô đơn hơn khi đã cùng giường 3 năm mà hai người chưa có con. Tình cảm ngày một lạnh nhạt, không khí gia đình nặng nề. Câu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hai khi nội ngoại đều hay tin. Người nhà khuyên giải, đại diện tổ dân phố đến phân tích, giảng giải nhưng “đâu lại vào đó”. Tình cảm vợ chồng không cải thiện, còn xung đột, anh C đã nhắn tin, gọi điện thách thức vợ ký vào đơn ly hôn.
Ảnh minh họa |
Chị C giãi bày, tháng 11-2016, anh C uống rượu say chửi mắng, đánh đập chị và đập phá đồ đạc trong gia đình. Do sợ nguy hiểm đến tính mạng nên chị đã xin phép bố mẹ chồng để về nhà bố mẹ đẻ ở và vợ chồng sống ly thân từ đó đến nay. Trước tòa, chị xác định tình cảm vợ chồng không còn, cuộc sống chung không có hạnh phúc, không có khả năng đoàn tụ nên chị cương quyết xin ly hôn. Vì chị và anh không có con chung, không có tài sản chung và không vướng bận khoản vay nợ nào nên không yêu cầu tòa giải quyết về tài sản.
Nghe vợ khai, anh C lặng lẽ, khuôn mặt nặng trĩu. Người đàn ông này thừa nhận, thời gian và quá trình kết hôn, vợ chồng sống ly thân đúng như lời chị H. Anh C cho rằng, thỉnh thoảng có uống rượu, tụ tập bạn bè và có say. Say nên anh không kiểm soát được, hay cằn nhằn khiến vợ chồng xô xát, cãi chửi nhau. Ông chồng nói, có nhắn tin với những lời lẽ không hay vào điện thoại của anh chị H nhưng đó chỉ là những lúc thiếu tỉnh táo, không kiềm chế được bản thân. Còn việc anh làm đơn ly hôn vợ chỉ là trêu đùa cho hả giận mà thôi. Đúng như chị C đã chia sẻ, cuối tháng 11-2016, do anh say rượu và bức xúc với bố nên anh có đập phá đồ, vợ bực đã bỏ về nhà mẹ. Anh chỉ nhắn tin và gọi điện xem chị H ở đâu. Nhưng chị H đã không nghe máy, anh không đi tìm nữa. “Cô ấy bỏ đi thì phải tự về và xin lỗi” – anh C chứng minh mình đúng và khẳng định, vẫn còn tình cảm với vợ nên không đồng ý ly hôn.
Tòa đã công bố lời chứng của đại diện tổ dân phố. Theo đó, cán bộ cơ sở xác nhận, cặp vợ chồng này hay cãi nhau. Hòa giải viên đã nhiều lần khuyên can không được. Tất cả cũng chỉ bởi anh C nóng nảy, ham vui, không quan tâm đến gia đình. Hai vợ chồng mâu thuẫn căng thẳng, khó đoàn tụ.
Tại tòa, đại diện VKSND phát biểu, đề nghị HĐXX cho chị H được ly hôn anh C vì mâu thuẫn trầm trọng. HĐXX nhận định, anh C, chị H kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn và hôn nhân hợp pháp. Quá trình chung sống, chị và anh không hạnh phúc vì anh C ham vu, xúc phạm, đánh đập vợ. Đây là hành vi bạo lực gia đình vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân rơi vào trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài. Hai người thậm chí đã phải ly thân. Xét thấy yêu cầu của chị H là có căn cứ nên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Do cặp vợ chồng này không đặt ra yêu cầu tài sản nên tòa không xem xét.
(Còn nữa)
Mua bán người chưa thành, vẫn phải chịu tội | |
Phân xử thế nào? - Bài 1: Cơ sở bác phản tố của anh trai với em gái |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại