Phân xử thế nào? - Bài 2: Mua bán người chưa thành, vẫn phải chịu tội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐầu giờ chiều 30-3-2017, tổ công tác của CA huyện Mộc Châu làm việc tại tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, phát hiện, bắt quả tang Mùa Thị C, SN 1981, quê Sơn La, đưa Vàng Thị N, SN 1996 và Cứ Thị P, SN 1990 – đều quê Sơn La, đi xe khách để bán sang Trung Quốc. Tổ công tác đã lập Biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang với C. Quá trình bắt giữ, C còn giao nộp một gói nilon chứa bột nén màu trắng. Chất này được giám định là heroin.
C khai nhận, năm 2015, C bỏ nhà đi theo một người phụ nữ dân tộc Mông tên D, không rõ địa chỉ, sang Trung Quốc. D đã đưa C đến biên giới Việt – Trung thì có một người đàn ông Trung Quốc tên là Thạo Khu (không rõ địa chỉ) đón về ở. C tá túc tại nhà Thạo Khu rồi bị bán cho Tráng Sênh, người Trung Quốc, làm vợ. Thời gian sống ở đây, C thường gọi điện về hỏi thăm gia đình. Thấy nhiều người đàn ông Trung Quốc đã bỏ tiền (2.000 nhân dân tệ) mua phụ nữ Việt Nam về làm vợ, chị ta nảy sinh ý định buôn người.
ẢNH MINH HỌA |
Tháng 10-2016, C nhận được điện thoại của Vàng Thị N và Cứ Thị P gọi hỏi thăm. C dụ hai người sang Trung Quốc để bán lấy tiền. Ngày 26-3-2017, C gọi điện cho P, N bảo lấy chồng xứ người sẽ có cuộc sống sung sướng, không phải lao động vất vả. Tiền ăn uống, chi phí đi lại, C trả hết nên các cô gái đồng ý. Trước khi về đón “hàng”, C đã bàn với Sênh đón họ sang Trung Quốc ở cùng và chờ Sênh tìm mối bán. Sênh đưa cho C 6 triệu đồng chi phí đi lại. Hai ngày sau, C về đến TP Lào Cai rồi đón xe khách về Mộc Châu.
Chị ta về thăm con nhưng không ai có nhà nên quay ra thị trấn. Trên đường đi, C đã hỏi mua được gói heroin với giá 100 nghìn đồng để cho bố chồng sử dụng. Tối 29-3-2017, C nghỉ lại tại thị trấn Mộc Châu và hẹn hôm sau đón P, N. Khi cả 3 cùng sang Trung Quốc thì bị cơ quan phát hiện, dừng xe.
Các nạn nhân khai, tháng 10-2016, P và N gặp C. Biết C đã sang Trung Quốc sinh sống, họ xin số điện thoại. Hai người có gọi điện hỏi thăm và nhiều lần C rủ cả hai sang Trung Quốc lấy chồng. Cho rằng, mình đã nhờ vả C nên các bị hại này không yêu cầu C phải bồi thường. Đáng chú ý, C còn khai, năm 2016, chị ta và Sênh đã bán Thào Thị Chú, con đẻ của C, cho một người đàn ông Trung Quốc lấy 20 nghìn nhân dân tệ. Tuy nhiên, CQĐT xác định, ngoài lời khai của C không còn căn cứ nào khác chứng minh nên đã tách hành vi trên để điều tra, làm rõ sau.
VKSND truy tố C về tội “Mua bán người”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Giai đoạn điều tra, các bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường nhưng tại phiên tòa, họ yêu cầu C phải bồi thường. HĐXX xem xét chấp nhận một phần theo quy định của BLDS 2015.
TAND nhận định, hành vi của bị cáo được chứng minh bằng Biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang lập vào ngày 30-3-2017 đối với C về hành vi mua bán người, tàng trữ trái phép chất ma túy; kết luận của cơ quan giám định, mẫu gửi giám định là heroin. Lời khai của C tại CQĐT cũng như tại tòa phù hợp với nhau và phù hợp với người bị hại. C có hành vi đưa hai phụ nữ sang nước ngoài để bán phạm vào tình tiết “để đưa ra nước ngoài”, “mua bán nhiều người”.
Bị cáo được xác định, có hành vi mua bán người nhưng chưa hoàn thành thì bị phát hiện, bắt giữ, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Theo khoản 3 Điều 52 BLHS, mức hình phạt bị cáo phải chịu không quá 3/4 mức hình phạt tù mà điều luật này quy định. Do đó, HĐXX đã tuyên C 5 năm tù về tội “Mua bán người”, 1 năm tù tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù. C còn phải bồi thường cho N, P, mỗi người 1 triệu đồng.
(Còn nữa)
Phân xử thế nào? - Bài 1: Cơ sở bác phản tố của anh trai với em gái Chuyện của anh em bà Đỗ Thị S, SN 1969 và ông Đỗ Văn T, SN 1954, quê Thái Bình, thật đáng buồn. Không bằng ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại