Thứ hai 25/11/2024 20:10

Ý nghĩa mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội dành cho người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mô hình Nhà trung chuyển sẽ hỗ trợ đắc lực cho người bệnh, người khuyết tật trong phục hồi chức năng. Đây cũng là mô hình để người khuyết tật hoặc gia đình của họ tham khảo, thay đổi môi trường phù hợp hơn cho người khuyết tật, sớm hòa nhập cộng đồng.
Ý nghĩa mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội dành cho người khuyết tật
Nhà trung chuyển là nơi giúp người bệnh, người khuyết tật làm quen, thích nghi, luyện tập cho những hoạt động hòa nhập cuộc sống thực tại gia đình, cộng đồng sau giai đoạn điều trị lâm sàng. Ảnh: Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng

Ngày 25/9, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (viết tắt ACDC) phối hợp cùng Trường ĐH Y tế Công cộng tổ chức khánh thành Nhà Trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Viện ACDC là đối tác thực hiện.

Nhà trung chuyển xây dựng tại Phòng khám Đa khoa của Trường ĐH Y tế Công cộng đã trở thành Nhà trung chuyển thứ 7 do ACDC triển khai thiết lập tài trợ từ USAID.

Thực tế, Hà Nội là nơi tập trung các BV, cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến cuối, nhu cầu phục hồi chức năng của người dân rất lớn.

Việc triển khai mô hình tại Trường ĐH Y tế Công cộng kỳ vọng sẽ tạo một chuỗi cung ứng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật hoàn thiện tại cấp trung ương. Từ đó, tạo ra tác động tích cực, lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn ý nghĩa của mô hình trong cộng đồng.

Công trình được khảo sát, lên ý tưởng xây dựng từ tháng 3/2023 và bắt đầu thiết lập cơ sở vật chất từ tháng 6/2023. Đây là mô hình giúp người bệnh, người khuyết tật có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hằng ngày trước khi trở về gia đình và cộng đồng, để tái hòa nhập một cách độc lập.

Các hoạt động thực hiện trong Nhà trung chuyển tập trung thực hành các chức năng sinh hoạt cơ bản như: di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và các hoạt động tham gia cộng đồng khác.

Nhà trung chuyển tại Hà Nội xây dựng với mô hình 2 giường ngủ và khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như khu vực giải trí và luyện tập, công trình được trang bị các vật dụng nhỏ để người bệnh tự chăm sóc và thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: dụng cụ nhà bếp, các thiết bị hỗ trợ di chuyển (xe lăn), các thiết bị định vị (ghế ngồi tắm),…

Ý nghĩa mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội dành cho người khuyết tật
Người khuyết tật thực hành các chức năng sinh hoạt cơ bản. Ảnh: Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng

Theo kế hoạch, Nhà trung chuyển sau thời gian hoạt động sẽ do Phòng khám Đa khoa và Khoa y học lâm sàng (Trường ĐH Y tế Công cộng) phụ trách vận hành và phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu nhằm đảm bảo mục tiêu kép: phục vụ bệnh nhân và là nơi thực hành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng.

Phát biểu tại sự kiện, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trên thế giới, Khu trung chuyển trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được triển khai, áp dụng từ những năm 1975 và có nhiều bằng chứng khoa học về hiệu quả phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Từ đó có thể thấy mô hình này rất phù hợp với người khuyết tật và cần thiết trong công tác phục hồi chức năng tại cơ sở y tế. Từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phối tham gia định hướng và phối hợp với Viện ACDC triển khai các 6 mô hình Nhà trung chuyển tại các tỉnh miền Trung cũng như mô hình tại Trường ĐH Y tế Công cộng.

Qua đó có thể thấy, việc triển khai Nhà trung chuyển tại Trường ĐH Y tế Công cộng là rất cần thiết để hoàn thiện chuyên môn cho Khoa Phục hồi chức năng của Phòng Khám đa khoa và sắp tới sẽ trở thành BV Đa khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây cũng là một trong những bước đi đầu trong quá trình thực hiện Quyết định 569 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng. Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực phục hồi chức năng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Hoạt động truyền thông về pháp luật cho người khuyết tật rất bổ ích
Cô gái khiếm thị Hà Nội đạt giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động