Xử lý nghiêm dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoạt động đổi tiền lẻ được hoạt động công khai trên các mạng xã hội |
Phí đổi tiền lẻ theo mệnh giá giao động từ 5 – 6%
Không quá khó để tìm kiếm một địa chỉ hoặc số điện thoại của những người đang cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ. Hoạt động đổi tiền lẻ được công khai đăng trên mạng xã hội, ở các chợ online… như một món hàng với lời khẳng định tiền nguyên thếp, nguyên cọc, chuẩn seri từ ngân hàng. Liên hệ với tài khoản P.P (Hoàng Mai) phóng viên được người này gửi cho một bảng phí cho các mệnh giá tiền lẻ. Theo đó, người này cho biết, phí đổi 100, 200 nghìn đồng là 30 nghìn đồng/1 triệu; phí đổi 5 nghìn, 10 nghìn, 50 nghìn đồng là 55 nghìn đồng/1 triệu; phí đổi 2 nghìn, 20 nghìn đồng phí 60 nghìn đồng/1 triệu… Đặc biệt, nếu đổi 1 nghìn đồng sẽ có phí là 130 nghìn/1 triệu. Ngoài ra, P.P còn đổi cả 2 USD với giá 55 nghìn/tờ.
Khi được hỏi nếu đổi nhiều thì có được giảm giá không, P.P khẳng định mình làm việc rất uy tín, việc giảm giá sẽ tùy vào số lượng tiền đổi, nhưng cơ bản là không. “Giá này là giá chung của thị trường rồi. Hơn nữa giờ việc kiếm tiền lẻ không còn dễ dàng như trước nữa, kể cả chị có người quen ở ngân hàng cũng rất khó đổi nên giá cả nhìn chung là không giảm” – P. nói. Và P. nói, sẽ “ưu đãi” ship miễn phí nếu đổi với số lượng nhiều mà thôi.
Tiếp tục nhắn và hỏi một số đối tượng rao bán đổi tiền lẻ khác, phóng viên cũng nhận được những câu trả lời với tỉ giá đổi tương tự. Nhìn chung, giá thành đổi tiền lẻ dao động từ 5 – 6%/1 triệu đối với những mệnh giá tiền 10, 20, 50 nghìn và cao hơn với các mệnh giá tiền nhỏ. Với tờ 2USD, các đối tượng này cho biết, do tỷ giá ngoại hối cao nên mức phí của loại này có cao hơn chút. “Chị nếu có nhu cầu nên đổi sớm, chứ để gần Tết tiền khan có thể phí sẽ tăng cao hơn chứ không cố định như thế này” – Đ.D (Nam Từ Liêm) “nhắc nhở” khi thấy phóng viên có vẻ chần chừ về mức phí đổi tiền.
Mặc dù xuất hiện nhiều các kênh đổi tiền lẻ trôi nổi với mức phí cao trên thị trường, T.P (Bắc Từ Liêm), nhân viên của một ngân hàng cổ phần trên địa bàn Hà Nội cho biết, nhưng việc khan hiếm tiền lẻ nguyên set ở Hà Nội là có thật. Theo lý giải của P. bởi do NHNN mấy năm gần đây hạn chế hơn việc in tiền lẻ, hầu như các ngân hàng cổ phần, tư nhân đều không được rót các mệnh giá thấp về. “Năm ngoái, cán bộ ngân hàng tôi đã phải xách tiền vào TP Hồ Chí Minh để đổi tiền lẻ mang ra để có tiền chi trong đợt Tết. Năm nay cũng không ngoại lệ” – P. nói. Từ việc khan hiếm cũng như sự lũng đoạn của nhiều cá nhân trên thị trường trong việc đổi tiền lẻ, theo P., cũng nên xem xét lại và dần từ bỏ những thói quen chi tiêu tiền lẻ trong đợt Tết Nguyên đán. “Có những người buôn bán nhỏ cũng có nhu cầu có tiền lẻ để trả lại khách hàng, tuy nhiên số này mang tính thường xuyên, đồng thời họ có thể gom từ những giá trị tiền đã lưu hành nên không có chuyện tăng đột biến. Chủ yếu đột biến vào cuối năm, dân đổi tiền lẻ với mục đích đi chùa, mừng tuổi…” – P. cho biết.
Tăng cường xử lý
Mặc dù trong những năm vừa qua, NHNN cũng có nhiều những động thái để ngăn chặn việc xuất hiện những dịch vụ đổi tiền lẻ trong dân. Tuy nhiên, chế tài đã có, biện pháp ngăn chặn cũng đề ra, nhưng cũng không thấy năm nào dịch vụ này ngưng lại. Mới đây, trong Chỉ thị 35/CT-TTG, ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cũng có yêu cầu NHNN: Điều hành chủ động lượng tiền cung ứng, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, nhu cầu chi trả, thanh toán dịp cuối năm và yêu cầu kiểm soát lạm phát; bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt phục vụ người dân và DN; tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; tổ chức duy trì các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
Đặc biệt còn nêu rõ: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong các quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm ăn % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 40 triệu đồng. Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho rằng: “Thực tế chưa thể xử lý dứt điểm được hành vi này diễn ra mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thậm chí có hiện tượng ở các điểm chùa chiền, miếu mạo việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệch này còn diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật như một món hàng mà không thấy cơ quan chức năng xử lý. Vậy nên, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm, cũng cần thay đổi nhận thức của chính những người dân”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại