Thứ năm 10/10/2024 19:02
Câu chuyện hòa giải:

Xây tường rào lấn sang đường đi chung

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TP Hà Nội hiện nay có khoảng trên 35 nghìn hòa giải viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có không ít hòa giải viên tiêu biểu, với uy tín và kinh nghiệm của mình, họ đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Với hơn 11 năm tham gia công tác hòa giải, bà Vũ Thị Tiến (59 tuổi) - Tổ trưởng tổ hòa giải số 2 (thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã trực tiếp hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp.
Bà Vũ Thị Tiến - Nữ cán bộ hòa giải lấy sự chân thành để hóa giải mâu thuẫn. Ảnh: Văn Biên
Bà Vũ Thị Tiến - Nữ cán bộ hòa giải lấy sự chân thành để hóa giải mâu thuẫn. Ảnh: Văn Biên

Ông Cao xây hàng rào bằng gạch lấn đường nội bộ (lối đi vào nhà ông Mai). Ông Mai đã đề nghị ông Cao xây tường rào cho thẳng đường đi. Tuy nhiên, ông Cao không đồng ý. Ông Mai đã đến nhà Tổ trưởng tổ hòa giải thôn để trình báo vụ việc và đề nghị hòa giải.

Nhận được phản ánh của ông Mai, bà Tiến đã đến tận hiện trường kiểm tra quá trình xây dựng, kiểm tra bìa đỏ đất của ông Cao, chứng kiến hiện trạng tường rào xây dựng uốn lượn, đoạn dài gần 10m.

Tổ hòa giải đã mời các hộ về tại nhà ông Mai - người yêu cầu hòa giải. Tại đây, ông Mai đề nghị tổ hòa giải vận động gia đình ông Cao tháo dỡ hàng rào, xây lại cho thuận tiện lối đi, không chỉ riêng nhà ông Mai mà còn các hộ dân phía trong con ngõ sẽ rất khó đi mỗi khi có xe chở hàng hóa, vật liệu, dụng cụ sản xuất. Ông Cao cho rằng: mặc dù trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hình dạng thẳng do trước đây công chức địa chính đo không chính xác, đất của ông Cao sử dụng trước nay vẫn có hình cong uốn lượn ra đường.

Ngay lúc đó, bà Tiến đã liên hệ với cán bộ địa chính của xã để hỏi thêm thông tin về phần đất tranh chấp này thì được biết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tuân thủ các bản đồ có trước đây, riêng phần bìa đỏ của ông Cao trước đây có dạng thẳng, thì khi đo vẽ chính quy các cơ quan chức năng đã tham khảo các hộ xung quanh, có sự chứng kiến của nhiều người, thực tế chính xác vẫn là đường thẳng. Do vậy, bà Tiến xác định ông Cao có dấu hiệu lấn chiếm đất thuộc đường đi chung. Ngoài ra, bà Tiến cũng nắm được chủ trương của xã là đối với các hộ có đất đang tranh chấp, UBND cấp xã sẽ không xác nhận để hoàn thiện các thủ tục vay vốn ngân hàng.

Tổ hòa giải tiến hành phân tích về lợi ích của việc mở rộng đường đi lối lại, hậu quả của việc xây tường uốn lượn, chắn hướng đi, che khuất tầm nhìn.

Ngoài ra, tổ hòa giải cũng đề cập đến tình làng nghĩa xóm, các hộ phía trong. Đồng thời, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng thể hiện đường thẳng. Vì vậy, tổ hòa giải mong muốn hộ gia đình ông Cao xem xét, cân nhắc các lợi ích nếu để tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến các giao dịch liên quan đến tài sản.

Cuối cùng ông Cao đã đồng ý đập phá tường rào, xây dựng lại cho thẳng đường, không ảnh hưởng đến tầm nhìn, chắn hướng đi của người dân. Các bên đồng ý ký vào biên bản hòa giải thành.

Bà Nghiêm Thị Phương Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, tham gia công tác hòa giải cơ sở hơn 11 năm, bà Tiến đã mang hết trách nhiệm và lòng nhiệt tình dành cho công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân, cán bộ đảng viên của tổ đã tín nhiệm giao, góp phần vào việc ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự trị an ở thôn, xóm và cũng góp phần vào thành tích chung của thôn Huỳnh Cung nói riêng và xã Tam Hiệp nói chung.
Những lí do nào khiến chuẩn tiếp cận pháp luật ở Hà Nội đạt kết quả tốt?
Hà Nội: Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động