Phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm): đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được UBND phường Mễ Trì tổ chức. Ảnh: Văn Biên |
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng
Theo báo cáo của UBND phường Mễ Trì, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND phường tập trung tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn phường các quy định của Hiến pháp năm 2013 và văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan nganh bộ… ban hành.
Trong đó, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
UBND phường Mễ Trì triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, thường xuyên tổ chức các Hội nghị chuyên đề và lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các Hội nghị được tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Đỗ Đức Thông cho hay, UBND phường và công chức UBND phường thường xuyên hướng dẫn, tư vấn, giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cho người dân có nhu cầu tại trụ sở UBND phường khi giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND phường.
Các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng thường xuyên được lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác được tổ chức trên địa bàn phường.
UBND phường duy trì phát chuyên đề chuyên mục Tìm hiểu pháp luật trên hệ loa truyền thanh phường. Tổ chức tuyên truyền các quy định, đặc biệt là các quy định về phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch bệnh… đối với các loa lưu động của phường. Các hình thức pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, niêm yết tại trụ sở, bảng tin của UBND phường và Tổ dân phố được duy trì và phát huy hiệu quả khi tuyên truyền trực quan sinh động.
Bước đầu tổ chức tuyên truyền có hiệu quả thông qua các ứng dụng, mạng xã hội trên môi trường internet, điện thoại: nhắn tin, tuyên truyền tại các nhóm zalo, facebook, fanpage.
“Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của phường đã thực hiện được vai trò tuyên truyền các quy định của pháp luật đến người dân, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, mà còn nắm bắt, phản ánh kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước” – ông Đỗ Đức Thông nhấn mạnh.
Hoạt động hòa giải cơ sở không ngừng phát triển
Hàng năm, UBND phường phối hợp thường trực UBMTTQ phường thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải trên địa bàn. Đảm bảo 100% tổ dân phố trên địa bàn phường đều có tổ hoà giải, các tổ hòa giải đều có người có đủ điều kiện tham gia làm hòa giải viên.
Hiện nay, trên địa bàn phường Mễ Trì đã có 18 tổ hòa giải, với 94 hòa giải viên. Các bác hòa giải viên được lựa chọn đều là những người có uy tín trong Nhân dân, có trình độ, kiến thức pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình với công tác hòa giải”
UBND phường đã thực hiện việc kiện toàn các tổ hòa giải theo đề nghị của các Ban Công tác mặt trận, Tổ dân phố. Các hoà giải viên đều được tham gia các hội nghị chuyên đề, bồi dưỡng các kỹ năng hoà giải, các quy định của pháp luật,…
Từ đầu năm đến nay, các tổ hoà giải cơ sở trên địa bàn phường đã tiếp nhận và tiến hành hoà giải 03 vụ việc. Trong đó: hoà giải thành: 2 việc. hoà giải không thành: 1 việc.
Quá trình hoà giải, các hoà giải viên không những vận dụng những quy định của pháp luật mà còn vận dụng phong tục, tập quán, tình làng nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thoả thuận và đi đến giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, góp phần trong việc giữ gìn đoàn kết, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cộng đồng.
Ông Nguyễn Khắc Bình (bên phải) - Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) – gương hòa giải viên tiêu biểu của phường Mễ Trì. Ảnh: Văn Biên |
Các thành viên tổ hòa giải luôn nắm bắt kịp thời các vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, tuyên truyền, vận động, giải thích ngay từ khi sự việc mới chớm hình thành, nếu các vụ việc xảy ra nghiêm trọng hơn, tổ hòa giải thực hiện hòa giải kịp thời đúng pháp luật để các bên tranh chấp hiểu vấn đề và thỏa thuận với nhau, giúp giữ hòa khí hai bên, đảm bảo hợp tình hợp lý, hàn gắn tình làng nghĩa xóm.
Các thành viên tổ hòa giải luôn nêu gương chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt các quy định của địa phương, tích cực tự học hỏi, trau dồi các kiến thức pháp luật và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do địa phương và cấp trên tổ chức, đảm bảo để mỗi hòa giải viên là một mắt xích quan trọng trong việc đưa pháp luật gần gũi với Nhân dân hơn.
Cũng theo ông Đỗ Đức Thông, hàng năm, UBND phường đã xây dựng Kế hoạch triển khai pháp luật về hòa giải ở cơ sở và xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn phường Mễ Trì.
“Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn phường đã tạo động lực cho các tổ hoà giải phấn đấu. Mỗi năm, số lượng tổ hòa giải đăng ký và đạt tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt” đều tăng về số lượng và chất lượng so với năm trước” – ông Đỗ Đức Thông nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại