Câu chuyện hòa giải: xây nhà lấn sang đất hộ liền kề…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTham gia công tác hòa giải cơ sở được hơn 40 năm, hiện với chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải, dù ở vị trí nào, ông Quang cũng mang hết trách nhiệm và lòng nhiệt tình tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhân dân, cán bộ đảng viên của tổ đã tín nhiệm giao phó. Ảnh: Văn Biên |
Gia đình ông Ca và gia đình ông Ban là hàng xóm của nhau. Sau khi con trai ông Ca đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về, gia đình ông Ca đập căn nhà cũ đi xây lại. Tuy nhiên, khi xây dựng đã lấn chiếm sang phần đất của gia đình ông Ban. Khi nhà ông Ca xây phần móng thì gia đình ông Ban phát hiện và rất bức xúc, ông Ban đã phản ánh việc xây lấn sang đất nhà mình, ông Ca không những không thừa nhận mà còn có thái độ bảo thủ, thách thức. Ông Ban làm đơn yêu cầu tổ hòa giải của thôn hòa giải vụ việc.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, ông Quang cũng tổ hòa giải đã đề nghị công chức địa chính phường cùng phối hợp nghiên cứu hồ sơ kỹ thuật thửa đất ở của hai gia đình. Tiếp đến, tổ hòa giải tiến hành mời hai gia đình cùng cán bộ tổ dân phố, công chức địa chính phường đến nhà văn hóa tổ dân phố để tiến hành hòa giải.
Quá trình hòa giải diễn ra khá căng thẳng, gia đình ông Ca một mực cho rằng nhà ông hoàn toàn được xây dựng trên phần đất của gia đình mình. Để có minh chứng cụ thể cho việc hòa giải, tổ hòa giải đã phối hợp với công chức địa chính phường tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các gia đình để biết hồ sơ kỹ thuật các thửa đất. Sau đó, ông Quang đã cùng tổ hòa giải và công chức địa chính tiến hành đo thực tế thửa đất của hai gia đình trước sự chứng kiến của các bên có liên quan. Kết quả cho thấy, gia đình ông Ca đã xây lấn đất của gia đình ông Ban ở góc phía Tây Nam.
Ông Quang đã lựa lời giải thích cho gia đình ông Ca rằng việc gia đình ông xây dựng nhà khang trang là rất mừng, Nhân dân trong khu phố ai cũng phấn khởi chúc mừng gia đình ông. Tuy nhiên, hành vi lấn chiếm đất của người khác là vi phạm pháp luật về đất đai. Do đó, gia đình ông Ca phải đập dỡ phần lấn chiếm.
Tổ hòa giải cũng phân tích về tình làng nghĩa xóm, hai gia đình cận kề khi có việc vui, buồn đều có nhau, không nên để xẩy ra xích mích, mâu thuẫn.
Mặc dù biết mình sai khi xây lấn sang đất nhà ông Ban, song ông Ca lại một mực không đồng ý phương án tổ hòa giải đã đưa ra. Việc hòa giải lần 1 không đi đến kết quả.
Ít ngày sau, ông Quang đã cùng tổ hòa giải lại đến nhà ông Ca để phân tích cho ông Ca hiểu rằng, việc ông lấn chiếm đất của gia đình ông Ban hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại đất đã lấn chiếm, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Sau khi nghe phân tích các quy định pháp luật về xử lý hành vi lấn, chiếm đất ở, ông Ca đã bắt đầu thay đổi thái độ theo hướng tích cực hơn. Tổ hòa giải một lần nữa phân tích về tình cảm lâu nay của hai gia đình, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Nhờ đó, ông Ca đã đồng thuận phương án phá bỏ phần công trình xây lấn chiếm sang đất gia đình nhà ông Ban. Vụ việc được ghi lại biên bản hòa giải thành để tổ hòa giải theo dõi việc thực hiện.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Hòa giải viên "chuyên" hóa giải những mâu thuẫn gia đình | |
Câu chuyện hòa giải: Không phải chuyện gì cũng “đao to búa lớn” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại