Thứ năm 16/05/2024 23:55

Hòa giải viên "chuyên" hóa giải những mâu thuẫn gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo bác Mai Văn Liên (sinh năm 1950), hòa giải viên tổ dân phố số 10 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), làm hòa giải viên, đau đầu nhất là những vụ hòa giải mâu thuẫn giữa những người trong gia đình.
Hòa giải viên
Bác Mai Văn Liên, hòa giải viên tổ dân phố số 10 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Minh Nhật

Tham gia công tác hòa giải từ năm 1992, sau nhiều năm, kinh nghiệm đúc kết của bác Liên là không có bất cứ một mẫu chung nào để áp vào các sự vụ, các mâu thuẫn. Mà để hòa giải thành công, người hòa giải viên phải biết phân tích, nhìn nhận và linh động xử lý từng vụ việc theo từng hoàn cảnh cụ thể. Để làm được điều đó, người hòa giải viên phải nắm được câu chuyện, được tâm tư nguyện vọng của nguyên đơn, bị đơn. Đồng thời cũng phải nắm được nguồn cơn, nguyên nhân của mỗi mâu thuẫn…

“Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, chúng tôi cũng đã hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn to có, nhỏ có. Và cũng sau bấy nhiêu năm, tôi cũng nhận ra rằng, việc hòa giải dưới cơ sở rất quan trọng. Giải quyết được gốc rễ vấn đề, sẽ tránh được những khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp lên phường, quận, thành phố…”, bác Liên nói.

Cũng theo bác, yếu tố cần có của người hòa giải viên đó là uy tín. Bởi có uy tín thì nói người ta mới nghe. “Khi tôi ra đường, nhìn thấy tôi từ xa bà con đã chào. Điều đó chứng tỏ mình có uy tín trong Nhân dân”, bác Liên chia sẻ.

Với bác, các cuộc hòa giải khiến người hòa giải viên đau đáu nhất vẫn là những câu chuyện mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thân trong gia đình. Với những mâu thuẫn dạng này, các hòa giải viên đều bảo nhau, phải cố gắng hết sức để hóa giải. Ở thời nào cũng vậy, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên là phải giải quyết cho bằng được. Tránh kiện tụng và nếu để ra tòa thì không còn gì để mà nói… Lúc đó tình thân cũng bằng không!

Bác Liên kể lại câu chuyện mà tổ hòa giải bác đã gặp. Vốn là nhà bà Hoa (nhân vật đã đổi tên) sinh ra đủ nếp đủ tẻ. Các con trai, con gái đã trưởng thành, bà có đất và cũng đã chia đều cho các con. Nhưng vốn cẩn thận, phòng xa và cũng tính để dưỡng già, bà để lại chút ít đất phòng thân.

Vốn không hợp tính hợp nết với cậu con trai, mà con gái lại sa cơ nhỡ bước nên bà sống cùng với con gái. Mặc dù bà đã chia cho hai anh em, nhưng đất vẫn liền thổ.

Bác Liên kể tiếp, đất chia cho các con bà Hoa đều tính toán để có lối đi ra vào cho cả hai nhà. Nhưng không hiểu sao khi cậu con trai cắt đất bán lại bán luôn khoảng không vốn làm lối đi cho nhà chị gái. Khi biết được chuyện ấy, bà Hoa nhất quyết đòi cậu con trai số đất bà đã để lại để đòi “công bằng” cho cô con gái.

“Câu chuyện cũng không có gì, nó chỉ là chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh. Mặc dù cậu con trai cũng không láo, không xử tệ với mẹ, nhưng bởi thương cô con gái đơn thân nên cái gì bà cũng dành cho cô phần hơn. Việc càng căng thẳng khi cậu con trai không đủ khéo léo khiến bà ngày này sang tháng nọ mang đơn lên phường… kiện con trai”, bác Liên kể.

Đơn lên phường, phường yêu cầu tổ dân phố hòa giải. Tổ dân phố đi đến năm lần bảy lượt không xong, lại "trả" đơn về phường… Cứ trả đi trả lại mấy bận như thế.

“Đô thị hóa, tấc đất ngày xưa chỉ là nơi để ở, để canh tác thì bỗng chốc biến thành “tấc vàng”. Nhiều nhà, nhiều gia đình vì tiền mà người ta bất chấp, tình anh em ruột thịt phai nhòa. Nhưng suy cho cùng, con người ta ai cũng thế, tranh chấp chút đất đai, chết có mang đi được không. Xã hội càng hiện đại, giá trị của tình thân gia đình vẫn luôn cần phải gìn giữ, phải luôn bền chặt mới đúng”, bác Liên nêu quan điểm.

Bác nói, trong công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, nếu hòa giải không khéo vô hình chung sẽ đào sâu mâu thuẫn giữa mẹ và con, anh và em.

Quay lại câu chuyện của nhà bà Hoa, bác Liên cho biết, sau khi phân tích về luật không xong, các bác bền bỉ quay sang phân tích, khơi dậy tình cảm mẫu tử, ruột thịt giữa đôi bên.

“Lúc đó thôi thì bao nhiêu những câu chuyện về nỗi khó khăn, nhọc nhằn, những chăm bẵm của người mẹ từ khi con mới lọt lòng cho đến khi con khôn lớn đi nói với người con trai. Rồi câu chuyện đứa bé từ khi bập bẹ biết nói đã biết phải nương tựa mẹ để nói với bà Hoa”. Nhưng cuối cùng, tổ hòa giải vẫn gặp riêng con trai bà Hoa để động viên anh ta, thôi thì bỏ ra ít tiền “mua” lại đất của mẹ. “Cũng coi như đó là chút tiền để bà dưỡng già. Mục đích để bà yên tâm mà thôi”, bác Liên cho hay.

Thế rồi câu chuyện cũng êm xuôi. Gia đình nhà cậu con trai dù thế cũng không tệ bạc với mẹ. Còn cô con gái cũng vì sự yêu thương của mẹ mà có hiếu với mẹ hơn…

Với bác Liên, mỗi sự vụ hòa giải là một câu chuyện. Có những chuyện buồn, nhưng cũng không hiếm những chuyện… vui. Bác kể, đó là câu chuyện mà mỗi khi nhắc lại những người hòa giải viên đều bật cười.

Đó là chuyện nhà anh Hùng (nhân vật đã được đổi tên), anh này vốn sợ vợ. Thế mà có một đêm khi bác đã say giấc nồng, vợ anh Hùng sang nhà bác nhờ bác đến… giải quyết giúp việc nhà. Thường ngày anh Hùng vốn mang tiếng sợ vợ là thế, thế mà khi có tí men vào, anh “cả gan” dám đánh vợ.

“Cũng không phải bạo hành gia đình, nhưng có lẽ nhún nhường nhiều quá nên có tí rượu vào nên cũng muốn khẳng định lại “vị thế” đàn ông”, bác Liên hài hước kể.

Trong câu chuyện này, bác cho biết, cũng thông qua “sự cố” lần ấy mà nhắc nhở lại cô vợ. Làm vợ dù có thế nào cũng nên nhún nhường, dùng cái khéo léo của phụ nữ mà chinh phục chồng. Đừng để “bản lĩnh” đàn bà lấn át, “con giun xéo mãi cũng quằn” rồi gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

“Cái chúng tôi được, đó là sự tín nhiệm, tôn trọng của bà con”
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động