“Cái chúng tôi được, đó là sự tín nhiệm, tôn trọng của bà con”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Bác Vũ Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Phú Thượng. Ảnh: Duy Linh |
Sau khi nghỉ hưu, năm 2013, bác Tuấn được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, cũng từ đó bác “kiêm” luôn công tác hòa giải. Nhớ lại những câu chuyện trong cả 10 năm qua, bác vui vẻ cho rằng, có lẽ bác “có duyên” với những vụ việc về đất cát. Bởi thế mà có nhiều vụ việc người dân đã đưa đơn kiện tụng khắp nơi, kéo dài đến hàng năm trời… nhưng khi “đến tai” những hòa giải viên, chuyện tưởng chừng phức tạp, rối rắm lại được giải quyết đơn giản và vô cùng “ngọt”.
Bác Tuấn nhớ lại, đó là câu chuyện về một gia đình vốn có mấy sào ruộng ở phường nhưng không sử dụng đến. Chính vì không sử dụng nên để tranh thủ, họ đã làm hợp đồng cho người khác thuê. Cũng cẩn thận và tránh rắc rối, người này đã cho chính anh em, họ hàng thuê đất. Cùng với hợp đồng cho thuê đất, họ cũng cẩn thận đến mức mời anh em họ hàng đôi bên có một buổi gặp mặt, đồng thời làm chứng việc cho thuê đất ấy.
“Trong cái buổi họp mặt họ hàng ấy, họ cũng có làm biên bản thỏa thuận, có chữ ký của người làm chứng là người thuê đất có quyền sử dụng, canh tác trên đất nhưng khi nào Nhà nước thu hồi và trả tiền đền bù thì phải trả cho người cho thuê”, bác Tuấn kể.
Tuy nhiên, mặc dù có “bài bản”, có cẩn thận đến thế nào nhưng cũng khó mà tính được với người khi đã nổi máu tham.
Bác Tuấn kể tiếp, cái chuyện thuê đất công khai, có rất nhiều người biết ấy tưởng chừng êm đẹp cho đến một ngày, khi đi làm thủ tục nhận tiền đền bù đất, người chủ đất mới tá hoả khi phát hiện mảnh đất của mình lại do… người khác đứng tên. Đến khi tìm hiểu mới vỡ lẽ ra rằng trước đó mảnh đất của mình đã sang tên đổi chủ đến vài ba lần.
Không can tâm, người chủ đất đã làm đơn kiện tụng khắp nơi. Đơn lên phường, lên quận… thậm chí còn có lẽ lên đến các cấp cao nữa. Sự việc về tình hay lý đều rất khó giải quyết, bởi việc cấp quyền sử dụng đất là đúng trình tự pháp luật, không sai xót ở khâu nào. Nhưng cho dù phân tích thế nào, người dân cũng không chịu.
“Lúc đó chúng tôi nhận “nhiệm vụ” từ phường nên đã đến tận nhà người nọ để hỏi han, tìm hiểu. Câu chuyện mới dần sáng tỏ”, bác Tuấn nói.
Khi tổ hòa giải vào nghe người dân trình bày, bác Tuấn có hỏi về biên bản cũng như hợp đồng cho thuê đất. Lúc này, người dân mới nói cho tổ hỏa giải một chi tiết, đó là sau khi lập xong biên bản, người thuê đất có bảo chủ đất đưa biên bản, hợp đồng để mang lên phường đóng dấu đỏ. Có lẽ vì tin tưởng họ hàng, cũng như không hiểu biết pháp luật nên trong quá trình này, chính người cho thuê đã sang nhượng mảnh đất của mình lúc nào không hay…
“Một phần do thiếu hiểu biết pháp luật, cũng một phần do tin tưởng người thân nên mảnh đất đang đứng tên mình nghiễm nhiên trở thành của người khác mà mình không có bất cứ một quyền lợi nào. Dĩ nhiên trong trường hợp ấy bất cứ ai cũng khó mà chấp nhận. Tuy nhiên câu chuyện qua cũng đã lâu, mảnh đất cũng đã mua đi bán lại qua nhiều người, còn người họ hàng kia cũng đã bán cả nhà cửa, tài sản không có… Vậy giờ có làm căng, có đòi thì cũng không giải quyết vấn đề gì mà sẽ rất phức tạp”, bác Tuấn phân tích.
Cùng phân tích, bác Tuấn cùng các hòa giải viên đã động viên đồng thời chỉ ra cái sơ xuất, đồng thời phân tích cái tình cái lý trong câu chuyện. Cuối cùng người dân cũng nghe theo và chấp nhận rút đơn.
“Vụ việc ấy phức tạp, cũng rất khó để hòa giải, nhưng rồi bằng sự nỗ lực của cả tổ hòa giải chúng tôi cũng hóa giải thành công”, bác Tuấn bảo. Để họ chấp nhận việc mất đi tài sản mà tính đến giờ, nó có giá trị khá lớn, điều đó không phải ai cũng làm được…
Làm hòa giải viên, điều cần phải làm được, đó là biến việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ trở thành không có gì – bác Tuấn nêu quan điểm. Bởi cũng mới năm ngoái đây, các bác cũng đã hòa giải một sự vụ mà theo bác, nếu không khéo léo sẽ tiếp tục có những tranh chấp kéo dài…
Đó là câu chuyện theo cái “mô típ” thường hay xảy ra khi người dân xây dựng nhà cửa.
Theo đó, ông Chung bắt đầu tính chuyện xây nhà. Và khi bắt đầu đo đạc để lên thiết kế thì mới phát hiện nhà hàng xóm sát vách hồi trước xây nhà có lấn sang nhà ông 10 cm. “Tấc đất tấc vàng”, vừa tiếc rẻ, vừa bực bội nhà hàng xóm nên ông làm ầm ĩ, bắt nhà hàng xóm phá luôn công trình lấn sang đó. Còn nhà hàng xóm cũng có cái khó, giờ nhà kết cấu như thế, phá đi như nhà người ta yêu cầu thì coi như phá hỏng hết cái nhà hoàn chỉnh.
Biết chuyện, bác Tuấn đã đến từng nhà để nói chuyện. Trước tiên, đến nhà ông Chung, bác bảo giờ việc đã rồi. Nếu cứ cố bắt người ta phá, về lý, xây trên đất nhà người khác thì phải hoàn nguyên trạng. Nhưng phá rồi, khi nhà ông Chung xây nhà người ta không cho trát tường, không cho mở cửa hoặc gây khó khăn… thế thì hàng xóm láng giềng lâu dài chung sống làm sao. Nhà không trát, không cửa sổ thì liệu có ổn…
Sau khi nghe phân tích, ông Chung cũng xuôi. Bác Tuấn tiếp tục sang nhà bên kia gặp và nói rõ, việc xây sang phần nhà người khác là nhà mình sai. Nhưng nếu họ đã nhân nhượng bỏ qua, thì cũng nên biết điều giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người ta xây nhà. Tất nhiên là những điều kiện thuận lý thuận tình như bác Tuấn đưa ra đều được nhà này đáp ứng.
“Vậy là chúng tôi tổ chức hai bên gặp mặt nhau và làm biên bản thống nhất. Câu chuyện sau đó cũng êm xuôi. Hàng xóm láng giềng cũng không còn khúc mắc, thậm chí còn vui vẻ và hỗ trợ lẫn nhau nữa”, bác Tuấn cho biết..
Chia sẻ kinh nghiệm “biến” việc lớn thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì, bác Tuấn bảo cái quan trọng nhất với hòa giải viên đó là sự linh hoạt. “Công tác hòa giải viên cũng có những nguyên tắc, mỗi vụ hòa giải cũng có những yêu cầu về hành chính như biên bản, giấy tờ. Nhưng với tôi, có những việc thì có tuân thủ, nhưng cũng có sự việc cũng không nhất thiết. Vì mục đích cuối cùng đó là hòa giải thành công, và để đạt được điều đó thì có biên bản hay không, có phải theo trình tự hay không đôi khi không quan trọng”, bác Tuấn nói.
Chính thế, nên còn rất nhiều câu chuyện nữa mà bác Tuấn bảo bác đều lưu trong cuốn sổ tay nhỏ của bác. Lưu để biết, lưu để nhớ và để nghiền ngẫm tình huống từ những vụ việc trước biến thành kinh nghiệm cho những vụ việc về sau.
“Làm hòa giải là công tác xã hội, chẳng phải vì tiền cũng không phải vì được tiếng. Cái chúng tôi được, đó là sự tín nhiệm, là sự tôn trọng của bà con dân phố. Đấy mới là cái được để những hòa giải viên có thể sẵn sàng nửa đêm, tờ mờ sáng lặn lội đến, tìm hiểu và hóa giải mâu thuẫn cho bà con…”
Hòa giải viên "chuyên trị" những mâu thuẫn đất đai |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại