Thứ năm 02/05/2024 21:54

Câu chuyện hòa giải: Không phải chuyện gì cũng “đao to búa lớn”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 20 năm làm công tác hòa giải, ông Trương Hữu Thanh, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 6 phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) nhớ như in câu chuyện hòa giải của một cặp vợ chồng khu phố 29 Cửa Bắc. Chính sự chân thành, lắng nghe, chia sẻ của người hòa giải viên cơ sở đã nối nhịp cầu vui tới mọi nhà.
Câu chuyện hòa giải: Không phải chuyện gì cũng “đao to búa lớn”
Ông Trương Hữu Thanh - Tổ trưởng Tổ hòa giải số 6 phường Trúc Bạch. Ảnh Mộc Miên

Bắt đầu tham gia công tác hòa giải khu phố từ năm 2000 đến nay, ông Trương Hữu Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải số 6 phường Trúc Bạch hiểu rằng, công tác hòa giải trong tổ dân phố vốn tưởng là bình thường nhưng lại rất phức tạp. Chuyện hòa giải đôi khi không chỉ đơn thuần là làm dịu đi bầu không khí căng thẳng giữa hai gia đình, làng xóm láng giềng, mà còn nối lại tình cảm giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái.

Người làm công tác hòa giải không phải lúc nào cũng nhận được lời cảm ơn hay sự cảm thông mà đôi khi còn cả sự cạnh khóe, mỉa mai: “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “bao đồng”, “việc nhà không lo lo việc đội đá vá trời”…

Bỏ ngoài tai những câu từ khó nghe của xã hội, mỗi hòa giải viên Tổ dân phố số 6 phường Trúc Bạch luôn coi công việc “vác tù và” là trách nhiệm gắn kết tình làng, nghĩa xóm, là “hạt nhân” tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở.

Trong câu chuyện hòa giải, ông Trương Hữu Thanh kể: “Trong cái con ngõ nhỏ số 29 Cửa Bắc này hầu như tôi thuộc từng gương mặt, từng giọng nói. Ấy vậy mà có những chuyện tưởng mình hiểu hóa ra là không hiểu gì cả. Gia đình anh H.M.H và chị N.T.T là công chức nhà nước. Cuộc sống từ ngoài nhìn vào bình thường lắm nếu như không nói là êm đẹp, hạnh phúc. Con cái ngoan ngoãn, vợ chồng không mấy khi to tiếng. Hàng ngày tôi vẫn gặp vợ chồng anh chị đi làm, chào hỏi vui vẻ. Bọn nhỏ gặp cũng nhanh miệng “Cháu chào bác Thanh”.

Hôm đó, xẩm tối, tôi lững thững đi bộ về nhà sau khi đi một vòng quanh khu phố xem rác thải bà con có vứt bừa bãi không thì gặp thằng lớn nhà anh chị H Khác với mọi khi, nó không nhanh nhảu chào mà quay mặt cắm cúi đi. Tôi đi vượt lên chào trước:

- Cháu đi học về muộn vậy à?

- Vâng ạ - Thằng bé lí nhí

Cảm thấy có vấn đề, tôi khẽ chạm vào vai cậu bé rồi hỏi:

- Cháu có chuyện gì à? Có thể kể với bác không? Bác có giúp được cháu không?

Thằng bé im lặng. Tôi nhẹ nhàng:

- Nỗi buồn chia sẻ sẽ vơi đi một nửa đấy. Chuyện khó hai cái đầu sẽ nhanh tìm ra cách giải quyết hơn một cái đấy.

Thằng bé bỗng òa khóc: bố mẹ cháu cãi nhau, còn dọa ly hôn. Cháu sợ lắm.

- “Chuyện lớn rồi”, tôi nghĩ bụng.

Thôi nào, chắc không đến mức thế đâu, cháu kể cho bác nghe xem nào?

Hóa ra, cuộc sống tưởng bình lặng lại hóa ra có sóng ngầm. Hai vợ chồng vì giữ thể diện nên mọi chuyện lớn nhỏ dù ấm ức đều không chia sẻ cho nhau. Giờ chỉ vì một chuyện nhỏ hóa giọt nước tràn ly, cãi nhau ngay trước mặt con cái. Chị T. tức giận viết đơn ly hôn, anh H cũng găng lên thách thức. Cuối cùng chỉ tội bọn trẻ sợ hãi gia đình tan vỡ.

Tôi vội vã trao đổi ngay với tổ hòa giải, nhưng không vội kéo cả tổ đến nhà, mà phân công chị Mai (thành viên của tổ) đến gặp chị vợ, còn bản thân rủ ông chồng ra làm cốc bia Trúc Bạch. Câu chuyện bức xúc với vợ giờ mới được xả ra. Tôi chăm chú lắng nghe, nhẹ nhàng chỉ cho anh H thấy những chuyện có thể giải quyết ngay nếu anh nói chuyện luôn với vợ; những chuyện anh chưa đúng, chưa thật hiểu và chia sẻ với vợ. Tôi cũng kể anh nghe câu chuyện của mình. Cuối cùng tôi kể câu chuyện vì sao tôi biết gia đình anh xảy ra chuyện. Nghe xong anh hối hận lắm, giận mình đã làm tổn thương con. Tôi nói thêm trước lúc chia tay “Nhịn vợ mình chứ có phải nhịn người ngoài đâu mà sợ thiệt. Tớ đây nhịn vợ suốt đấy có sao đâu…”. Anh cười xòa: “Vâng, em nghe bác”.

Câu chuyện bên chị vợ cũng được chị Mai giải quyết êm đẹp. Cuộc sống lại trở về nếp cũ. Những đứa trẻ lại ríu rít, vợ chồng anh thi thoảng lại nhắc: “May có tổ hòa giải, không thì có khi bọn em giờ không biết ra sao”.

Từ câu chuyện hòa giải của vợ chồng anh H, ông Trương Hữu Thanh rút ra được bài học trong công tác hòa giải. Thứ nhất, đã làm việc thì phải thật gần gũi với bà con, gần gũi với mọi người. Thứ hai, phải biết lắng nghe, biết chia sẻ. Thứ ba, không phải chuyện gì cũng cần “đao to búa lớn”, bởi chỉ khi nào chúng ta thật sự là những người bạn, người hàng xóm “tối lửa tắt đèn” thì mọi chuyện sẽ đều dễ dàng giải quyết.

Đó cũng chính là “bí quyết” để hòa giải thành công được ông Trương Hữu Thanh chia sẻ với các hòa giải viên trong tổ hòa giải. Nhờ đó, công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả thiết thực, nhiều vụ việc lớn, nhỏ trong cộng đồng dân cư từ lúc phát sinh đã được “hóa giải” sớm, tránh mâu thuẫn kéo dài.

Làm Làm "hòa giải viên" online
Nữ hòa giải viên gắn kết tình làng, nghĩa xóm Nữ hòa giải viên gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động