Thứ bảy 04/05/2024 22:39

Làm "hòa giải viên" online

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở tuổi 71, hòa giải viên Nguyễn Thị Tùng, Tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn Tổ dân phố số 13 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin trên báo chí, mạng xã hội. Thông qua trang fanpage “Tôi yêu phường Vĩnh Phúc” với gần 6.500 người theo dõi, qua đó nắm bắt tình hình dư luận xã hội tại cơ sở, nhiều vụ việc lớn, nhỏ trong cộng đồng dân cư từ lúc phát sinh đã sớm được “hóa giải”.
Làm "hòa giải viên" online trên mạng xã hội
Hình ảnh về thực trạng xuống cấp các thiết bị đồ chơi cho trẻ em tại sân chơi khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh từ Fanpage "Tôi yêu phường Vĩnh Phúc"

Cách làm hay của hòa giải viên cơ sở

Mới đây, một cư dân sinh sống phường Vĩnh Phúc đã phản ánh về thực trạng xuống cấp các thiết bị đồ chơi cho trẻ em tại sân chơi khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Bài viết được đăng tải trên trang fanpage “Tôi yêu phường Vĩnh Phúc” đã thu hút sự quan tâm của người dân.

Đa số ý kiến người dân đều bày tỏ bức xúc vì các thiết bị đồ chơi nghèo nàn và hỏng hóc nhưng không được thay mới hay tu sửa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em. Có ý kiến phản đối về sân chơi cộng đồng được người lớn “chiếm suất” làm chỗ tập thể thao, nhảy dân vũ,… Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về việc “Đồ chơi cho trẻ em chắp vá từ nơi khác về, liệu có kinh phí của Nhà nước đầu tư cho các cháu hay không? Có nên vận động quyên góp từ người dân để đầu tư một cách bài bản và sạch đẹp?”.

Trước ý kiến của người dân về các sân chơi khu dân cư 7,2ha phường Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Tùng, Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư 13, Tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn Tổ dân phố số 13 đã ghi nhận các ý kiến phản ánh, đồng thời nêu rõ vấn đề thắc mắc từ phía người dân.

Nội dung trả lời được bà Nguyễn Thị Tùng nêu rõ: Với vai trò Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư 13, địa bàn được UBND phường Vĩnh Phúc giao quản lý 7 vườn hoa sân chơi tại khu 7,2 ha. Trên 7 sân, có 3 sân có dụng cụ thể dục thể thao - vui chơi dành cho người lớn và trẻ em. Riêng 2 sân lớn (K3-D1) thường xuyên diễn ra việc tập luyện, vui chơi từ sáng sớm đến tối muộn. Riêng sân có lắp đồ chơi cho trẻ em, các thiết bị được sự tài trợ của Quận đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Ba Đình, từ năm 2018. Từ đó đến nay địa bàn tổ dân phố số 13 đã tu sửa, thay mới nhiều lần với phương châm “hỏng đâu sửa đấy”. Kinh phí sửa chữa hiện lên tới gần 20 triệu đồng (riêng máng trượt đã 10 triệu) kinh phí bằng nguồn xã hội hóa (chủ yếu từ các nhà thuê bãi gửi xe trên địa bàn). Các cụ dạy “của bền tại người”, các sân chơi khu 7,2 ha thu hút người chơi từ các địa bàn xung quanh nên khó tránh khỏi việc quá tải”.

Theo bà Nguyễn Thị Tùng, với nỗ lực của các cấp ủy, hội cơ sở, tổ dân phố trên địa bàn đã quyết tâm xây dựng 7 sân chơi cộng đồng trên địa bàn với các tiêu chí an toàn, thoáng mát để trẻ em, Nhân dân trên địa bàn có chỗ vui chơi, rèn luyện sức khỏe.

Tuy nhiên, ý thức của phụ huynh và các cháu chưa tuân thủ theo quy định. Cụ thể, các cháu vừa chơi vừa nhún, giậm, nhảy trên cầu trượt, tự tiện bẻ cành ngắt hoa... Phụ huynh tự tiện ngồi lên xích đu (dù có biển đề cấm người lớn). Thanh niên ngồi lên thú nhún vừa đạp vừa vặn. Người bà, người mẹ cho con trẻ ăn xong vứt bừa vỏ hộp, thay bỉm cho con cháu ném luôn vào vườn hoa. Hoặc có tình trạng người nơi khác đến để xe ngay trong sân hoặc nơi cửa ra vào. Biển tên công trình khu dân cư đã 3 lần thay kính để bảo vệ chữ (chất liệu kính cường lực) cũng bị các cháu đạp, kéo... vặn ốc vứt tại sân. Địa bàn tổ dân phố số 13 đã phân công người phụ trách và thường xuyên nhắc nhở, nhưng ý thức của một số người dân vẫn chưa cao.

Với vai trò quản lý, giám sát, cán bộ cơ sở hàng tuần thực hiện vệ sinh môi trường, tưới cây tại 7 sân chơi cộng đồng, dù vận động người dân tham gia nhưng số lượng rất ít. “Thiết nghĩ, trong gia đình người Việt Nam nói chung hiện nay thường có 3 thế hệ: Ông, bà, bố, mẹ, con, cháu. Vậy câu hỏi: Ông, bà chơi ở đâu? Bố, mẹ chơi ở chỗ nào? Con, cháu chúng ta càng cần chỗ để vui chơi! Vậy thì trong không gian chung ấy cần có sự hài hòa thân thiện cùng nhau để cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại”, bà Nguyễn Thị Tùng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của người dân về sân chơi được đầu tư từ nguồn ngân sách hay từ nguồn xã hội hóa, bà Nguyễn Thị Tùng cho biết: “Khu 7,2ha là khu tái định cư, cuộc sống kinh tế trung bình. Không có đại gia nào tài trợ, chỉ dựa vào sự đóng góp ít ỏi của Nhân dân. Vì vậy nếu được sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức đóng góp kinh phí để đại tu bảo dưỡng dụng cụ vui chơi cho các cháu, chúng tôi xin được tiếp thu và cảm ơn”.

Nội dung trả lời của bà Nguyễn Thị Tùng sau khi đăng tải trên mạng xã hội nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Những thắc mắc được “hóa giải”, người dân ủng hộ việc cán bộ cơ sở tận tâm, trách nhiệm, phân tích “thấu tình, đạt lý” nên bài phản ánh đã không phát sinh thêm các ý kiến tranh luận. Dù đây không phải là vụ việc hòa giải dân sự, thế nhưng cách làm của hòa giải viên như bà Nguyễn Thị Tùng góp phần nâng cao công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả thiết thực.

Làm "hòa giải viên" online trên mạng xã hội
Bà Nguyễn Thị Tùng, Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư 13, Tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn Tổ dân phố số 13 phường Vĩnh Phúc. Ảnh M.Miên

Gắn với phương châm “dân vận khéo”

Sau sự việc, bà Nguyễn Thị Tùng cùng cán bộ tổ dân phố, thành viên tổ hòa giải, đã lồng ghép nội dung phản ánh của người dân về sân chơi tại khu 7,2ha tại các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể, cuộc họp dân của các khu phố. Trên cơ sở đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân về những vụ việc “nóng” mới phát sinh. Qua đó, nhiều mâu thuẫn nảy sinh, tin đồn trong cộng đồng dân cư được xử lý để mâu thuẫn không leo thang, kéo dài.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Tổ hòa giải địa bàn Tổ dân phố số 13, phường Vĩnh Phúc đã hòa giải thành 1 vụ, chủ yếu từ mâu thuẫn dân sự. Với vai trò là Tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn Tổ dân phố số 13, bà Nguyễn Thị Tùng cùng 2 thành viên trong Tổ hòa giải gắn công tác hòa giải cơ sở với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội.

Tổ dân phố số 13 là địa bàn có số dân đông với 628 hộ, tương đương hơn 2.000 nhân khẩu, phân bố 13 tòa nhà chung cư và 1 khu căn hộ. Trước đây, người dân ở mặt phố buôn bán, nhưng khi có chủ trương xây nhà chung cư, nhiều người dân phải làm nghề lao động tự do, cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều.

Với phương châm “dân vận khéo” trong công tác hòa giải cơ sở, khi xảy ra các vụ việc liên quan hoặc có đơn đề nghị, bà Nguyễn Thị Tùng cùng thành viên Tổ hòa giải luôn đặt vị trí là người trong cuộc để hiểu và đồng cảm với cái khó có người dân. Thực tế, đôi khi có mâu thuẫn xảy ra vì lời ăn tiếng nói chưa vừa lòng nhau hay mâu thuẫn trong gia đình bố mẹ, con cái; hàng xóm láng giềng vì những tranh chấp nhỏ mà không giữ được bình tĩnh, xảy ra xô xát.

Theo bà Nguyễn Thị Tùng, bí quyết để hòa giải thành công chính là sự thân tình, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, giải thích cặn kẽ vụ việc có lý, có tình trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

78 tuổi, nữ cán bộ cơ sở vẫn đảm nhiệm 12 “đầu việc” 78 tuổi, nữ cán bộ cơ sở vẫn đảm nhiệm 12 “đầu việc”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động