Thứ bảy 30/11/2024 10:32
Luật Thủ đô 2024

Xây dựng đô thị xanh, bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường. Để Luật đi vào đời sống, cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động, trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan.
Xây dựng đô thị xanh, bền vững
Các phương tiện di chuyển đông đúc trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: N.M

Ô nhiễm không khí tại khu đô thị

Hiện nay, Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, tổng dân số gần 9 triệu người, mật độ dân số gấp 8,2 lần so với cả nước. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt 80-85%. Số rác thải tồn đọng bị vứt đổ bừa bãi tại các kênh, mương, ao hồ hay các khu đất trống, ven trục đường giao thông... dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của TP là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10%. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 12,13%, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng trên các tuyến đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới, trong đó riêng Hà Nội xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO.

Nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí,...

Xây dựng đô thị xanh, bền vững
Hàng cây xanh mướt trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: N.M

Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường

Để khắc phục những vấn đề trên và hướng đến xây dựng hạ tầng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững là việc làm không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Luật Thủ đô 2024 có những cơ chế đột phá, vượt trội và đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.

Có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, quy định vùng phát thải thấp (khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường).

Theo đó, HĐND TP được giao quyền quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Để giảm tải áp lực lên môi trường, Luật còn quy định các biện pháp khuyến khích hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không ưu tiên phát triển tại làng nghề ở nông thôn; ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.

Tại Điều 17 Luật Thủ đô về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 28 về bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ như: quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch…

Để luật đi vào đời sống, cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan.

Chia sẻ về Luật Thủ đô 2024, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhìn nhận, Luật Thủ đô đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Lan toả những giá trị cốt lõi của Luật Thủ đô 2024 đến người dân Lan toả những giá trị cốt lõi của Luật Thủ đô 2024 đến người dân
Thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng Thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động