Vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết đồng thuận xử lý tài sản chung để khắc phục hậu quả vụ án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại toà. Ảnh: N.N |
Kiểm toán viên nêu 2 lý do có những lời khai ban đầu không đúng
Bị cáo Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội – CPA, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên CPA Hà Nội chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập hồ sơ, tài liệu để đánh giá, kiêm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo các báo cáo tài chính của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) ; được Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng Giám đốc CPA Hà Nội, phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiểm toán tại Công ty Faros.
Tuy nhiên, Lê Văn Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư cua Công ty Faros nhưng vẫn ký các Báo cáo tài chính kiểm toán chấp nhận toàn phần với số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính kiểm toán số 122 ngày 31/5/2016, Báo cáo tài chính kiểm toán số 123 ngày 31/5/2016, Báo cáo tài chính kiếm toán số 120 ngày 30/5/2016 trái pháp luật.
Hành vi của Lê Văn Tuấn đã giúp sức để Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền cua các nhà đầu tư.
Khai trước toà, bị cáo Tuấn nói, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh là người chỉ đạo nên bị cáo mới ký. Bị cáo Tỉnh còn hướng dẫn bị cáo khai như thế nào khi làm việc với CQĐT. Bị cáo Tuấn thừa nhận sai lầm khi cho rằng, từng có lời khai không trung thực. Về lý do khai sai, bị cáo nêu, do áp lực lớn vì công việc có thể bị dừng và do sức khoẻ tâm thần của bị cáo. Vị chủ toạ hỏi về bằng chứng cụ thể việc bị cáo Tỉnh hướng dẫn lời khai, bị cáo Tuấn cho biết, “không có”.
Đối chất tại toà, bị cáo Tỉnh cho biết, bị cáo là người đề nghị bổ sung bị cáo Tuấn vào nhóm kiểm toán vì Tuấn giới thiệu khách cho công ty. Bị cáo Tỉnh khẳng định, không gây sức ép hay chỉ đạo bị cáo Tuấn phải ký báo cáo kiểm toán. Bị cáo Tỉnh cũng phủ nhận hướng dẫn bị cáo Tuấn khai như thế nào nếu bị hỏi cung. Bị cáo Tỉnh quả quyết, bị cáo Tuấn trình bày trước tòa như vậy là sai.
Dẫn chứng cho lời khai của mình, bị cáo Tỉnh nêu tên một số người làm chứng về việc này. Bị cáo Tỉnh cam kết, báo cáo kiểm toán tài chính của Công ty Faros do CPA ký ban hành là có sự đồng thuận của các thành viên trong nhóm kiểm toán.
Ông Đỗ Mạnh Hà, kiểm toán viên, được hỏi với tư cách người làm chứng cho rằng, không nhớ những ai đã tham gia nhóm kiểm toán của Công ty Faros thời điểm đó. Bà Trần Thị Linh, cựu nhân viên CPA Hà Nội, người làm chứng trong vụ án.
Bà Linh cho biết, mình có tham gia nhóm kiểm toán của Công ty Faros ở giai đoạn một. Sau đó, báo cáo tài chính giai đoạn đầu bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu kiểm toán lại. Sau khi CPA Hà Nội kiểm toán giai đoạn hai, hai nhân viên kiểm toán của CPA Hà Nội liên hệ với bà để hỏi về báo cáo kiểm toán giai đoạn một, trong đó có bị cáo Lê Văn Tuấn. Khi bà Linh và bị cáo Tuấn liên hệ qua điện thoại, cả hai có nói về thông tin kiểm toán tài chính của Công ty Faros, Tuấn nói, báo cáo kiểm toán đã xong.
Chủ tọa phiên tòa đã công bố lời khai của bị cáo Tuấn tại CQĐT. Lời khai thể hiện, bị cáo Tuấn biết việc, báo cáo kết quả kiểm toán đối với Công ty Faros do nhóm kiểm toán (trong đó có bị cáo Tuấn) kết luận là chưa đủ điều kiện…
Vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết: tiền đổ về tài khoản là vay hộ em chồng để trả nợ
Một trong những bị hại (nhà đầu tư) là ông Lê Ngọc Nông, SN 1978, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, trình bày, mua mã cổ phiếu ROS (667.200 cổ phiếu). Hiện, bị hại này mong muốn được nhận lại tiền bằng số cổ phiếu đã mua của Công ty Faros, cùng bồi thường về tổn thất tinh thần.
Đại diện Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC không có quan hệ trực tiếp với Công ty Faros. Tập đoàn FLC không sử dụng các khoản tiền mà Công ty Faros thu được của các nhà đầu tư. Đối với những tài sản đã bị thu giữ trong quá trình điều tra, Tập đoàn FLC tôn trọng và chấp nhận các phán quyết của tòa án.
Đại diện Công ty Faros trình bày, Công ty Faros đã được tiếp cận các tài liệu liên quan đến vụ án. Công ty Faros tôn trọng các kết luận như cáo trạng đã xác định về số tài sản. Đại diện Công ty Faros cho biết thêm, giá trị của các cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị, chỉ bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán.
Đáng chú ý, được hỏi liên quan đến việc kê biên tài sản, vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết (bà Lê Thị Ngọc Diệp) thừa nhận, tài khoản có nhận được hơn 27 tỷ đồng và hơn 35 tỷ đồng. Hai khoản tiền này, bà Diệp nêu, vay hộ bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em ruột bị cáo Quyết) để trả các khoản nợ.
Bà Diệp cũng tôn trọng nội dung kết luận của cáo trạng kê biên, phong toả liên quan đến bị cáo Quyết và bà Diệp và đề nghị tòa án xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại toà, đại diện Ngân hàng Phương Đông trình bày, ngân hàng có nhận thế chấp căn biệt thự của bị cáo Quyết và bà Diệp ởKhu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hiện nay, căn biệt thự này đã bị phong tỏa. Ngân hàng đề nghị, nếu đã kê biên, đề nghị tòa án tuyên buộc bị cáo Quyết và bà Diệp phải trả số tiền vay cho ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Public Bank Việt Nam cho biết, để đảm bảo khoản vay của vợ chồng bị cáo Nga, họ đã thế chấp tài sản là nhà, đất ở Khu đô thị mới Mỹ Đình, hiện dư nợ khoảng 18 tỷ đồng. Ngân hàng đề nghị tòa án giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại