Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai gì trước toà?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Trịnh Văn Quyết trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ảnh: N.N |
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc hai tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán". Khi được chủ tọa hỏi ý kiến về cáo trạng truy tố hai tội danh trên, bị cáo Quyết cho rằng "tôn trọng, đồng ý với cáo trạng".
"Bị cáo có chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế và một số bị cáo khác trong việc nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán và hưởng lợi hơn 3.000 tỷ đồng?" - chủ toạ hỏi, bị cáo Quyết thừa nhận cáo trạng là đúng, tôn trọng vì bản thân đến nay không nhớ rõ chi tiết. Đối với hành vi thao túng, bị cáo Quyết nhắc lại "thừa nhận hành vi mô tả trong cáo trạng".
Chủ tọa chất vấn mục đích của việc lừa đảo là gì? bị cáo Quyết khẳng định: "Chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư". Bị cáo khai, bản thân có chủ trương mua công ty về xây dựng, bởi luôn luôn mong muốn có một công ty xây dựng để phục vụ cho công việc của Tập đoàn FLC. Nếu công ty này làm tốt hơn, khi đó sẽ làm cho các đơn vị ngoài tập đoàn.
Để làm rõ thêm, thẩm phán Vũ Quang Huy nhắc bị cáo việc sau khi bán cổ phiếu niêm yết, thu được hơn 723 tỉ đồng. Ông Quyết cho hay, cũng không nhớ thu được bao nhiêu và không có ý kiến gì với khoản tiền cáo trạng đã mô tả.
Kết thúc thẩm vấn trong khoảng 8 phút, chủ tọa hỏi cựu Chủ tịch FLC có ý kiến ra sao đối với 2 tội danh cơ quan công tố cáo buộc. Lúc này, ông Quyết nói: "Về tội danh mong HĐXX xem xét, bị cáo chấp nhận phán quyết của tòa. Còn về hành vi, cáo trạng đã mô tả".
Thẩm phán Vũ Quang Huy thông tin với bị cáo Quyết rằng, trong thời gian cách ly, nhiều bị cáo trong đó có Trịnh Thị Minh Huế khai việc nâng khống vốn, đưa cổ phiếu niêm yết lên sàn chứng khoán do Trịnh Văn Quyết chỉ đạo. "Bị cáo không có ý kiến gì", ông Quyết nói rồi về chỗ ngồi.
Theo cáo trạng, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương - cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn) và Trịnh Thị Minh Huế tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phương và Huế nhờ một số người đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Faros. Lãnh đạo công ty ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán và cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.
VKSND TC cho rằng, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HOSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.
Các ông bà: Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Lê Thị Tuyết Hằng... bị cáo buộc biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Faros, nhưng do ông Sinh có quan hệ với ông Quyết nên họ "nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết".
Các ông Lê Công Điền, Dương Văn Thanh, Phạm Trung Minh cũng bị cáo buộc biết rõ chưa đủ cơ sở xác định vốn của Faros là 4.300 tỉ đồng, nhưng vẫn chấp thuận đăng ký cổ phiếu ROS. Bị cáo Quyết đã bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Quyết chỉ đạo Huế mượn giấy tờ của 45 người khác đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Riêng ông Quyết đứng tên 23 tài khoản.
5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART liên tục được nhóm ông Quyết mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch.
Nhóm đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả. Hành vi này giúp ông Quyết thu lợi 723 tỷ đồng.
Nhiều bị hại vắng mặt trong phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết | |
Sáng nay (22/7), cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hầu toà |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại