Vĩnh Phúc: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thông tin về chi trả chế độ của vận động viên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Cắt tập huấn ở tỉnh ngoài để tiết kiệm chi phí
Sáng 5/1 ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã cung cấp cho PV Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế và Đô thị các thông tin liên quan đến vấn đề huấn luyện viên, vận động viên thắc mắc việc chậm nhận chế độ khi tham gia thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.
Cụ thể, việc thanh toán chế độ dinh dưỡng về tập huấn và chế độ thi đấu cho các vận động viên, ông Bùi Hồng Đô cho biết: Việc này được thực hiện theo Thông tư 86/2020/TT-BTC, quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao và Nghị quyết số 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cho tập huấn là 240.000đ/ngày, còn thi đấu thành tích cao thì 320.000đ/ngày.
“UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tập huấn thi đấu (trong đó có nội dung tập huấn ở tỉnh ngoài). Tuy nhiên, khi thẩm định, thì bộ phận thẩm định của Sở Tài chính vì muốn tiết giảm chi phí, nên chỉ thẩm định cho phép tất cả chương trình tập huấn diễn ra tại tỉnh, đến khi thi đấu thì chỉ dẫn đoàn đi thi đấu thôi.” – ông Bùi Hồng Đô cho biết.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết thêm, sau khi được thẩm định, Sở đã hướng dẫn đến các huấn luyện viên trưởng, và giao Phòng Quản lý TDTT hồ sơ. Trong 13 đội tuyển của tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, có 3 đội xin thực hiện theo cơ chế xã hội hóa gồm: Wushu; golf và bóng đá.
Các trường hợp “xã hội hóa” đều trực tiếp gặp Sở Văn hóa Thể thao Du lịch để xin thực hiện xã hội hóa, và được chấp thuận, vì đây là những đội phong trào, Sở cũng báo cáo UBND tỉnh và nhận được sự đồng ý. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, với các đội phong trào thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, phần nào hỗ trợ được thì tỉnh hỗ trợ, còn lại là thực hiện xã hội hóa.
Vấn đề ứng kinh phí tập huấn, thi đấu
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Việc thanh toán cho vận động viên, khi thực hiện tập huấn xong các đội chuyển hồ sơ lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thì Sở sẽ tiến hành thực hiện cấp chế độ dinh dưỡng, và khi nào thi đấu xong chuyển hồ sơ đến thì Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ cấp chế độ thi đấu.
Do các đội thuộc cơ chế “xã hội hóa” phong trào, là những cá nhân bên ngoài không thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho nên theo Luật Ngân sách, cần phải có hồ sơ mới được cấp kinh phí, chứ không được phép ứng kinh phí để tập huấn, thi đấu.
Còn lại những đội tuyển, vận động viên thành tích cao thuộc quản lý của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thì những đội nào cần ứng mà họ không nợ kho bạc, thì sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ cho ứng đến ngày 26/12. Đến thời điểm hiện nay, cũng đã kết thúc.
Các chế độ dinh dưỡng thực hiện theo nguyên tác chuyển khoản đến từng người, riêng đội bóng đá có đề xuất chuyển “một lần” cho một đầu mối, nhưng không được chấp thuận, do Luật Ngân sách quy định chế độ dinh dưỡng phải được chuyển đến từng người theo danh sách của đội bóng, đối chiếu theo chứng minh nhân dân. Đến trước ngày thi đấu thì 100% các trường hợp được chuyển kinh phí dinh dưỡng.
Không cấp trang thiết bị vì đã “thi đấu xong”
Thông tin về quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang phục thi đấu, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Gói thầu đến ngày 25/11/2022 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định phê duyệt, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu, và triển khai đấu thầu.
“Nhưng khi đấu thầu xong vào ngày 8/12/2022 thì đã có 4 môn gồm (bắn súng, bóng chuyền, Karate, bóng đá) thi đấu xong rồi. Do 4 môn đã thi đấu xong, nên Sở thương lượng với nhà thầu không mua trang thiết bị của các môn đã thi đấu xong nữa. Sở cũng báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và được đồng ý là không được phép mua thiết bị cho các đội đã thi đấu xong nữa.” – ông Bùi Hồng Đô thông tin.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giải thích thêm, việc dừng mua trang thiết bị cung cấp cho 4 đội đã thi đấu xong, là nhằm tiết kiệm Ngân sách cho Nhà nước. Và UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ cho phép mua thiết bị phục vụ cho các đội sang năm thi đấu tiếp.
“Gói thầu này đã giảm so với dự toán ban đầu số tiền 2 tỷ đồng. Hiện nay đã cung cấp đầy đủ trang thiết bị đến các vận động viên, có sự ký nhận của các huấn luyện viên về chủng loại, số lượng theo đúng gói thầu.” – ông Bùi Hồng Đô nói.
Có hay không sự chênh lệch quyền lợi của vận động viên?
Thực tế cho thấy, việc xây dựng kế hoạch tập huấn mà Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành, có nội dung cho các vận động viên tập huấn ở tỉnh ngoài. Nhưng khi thẩm định kinh phí thì Sở Tài chính thẩm định cho phép các đội tuyển chỉ tập huấn tại tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù đội tuyển đua thuyền, tỉnh Vĩnh Phúc thiếu cơ sở tập luyện nên đội tuyển này vẫn phải tập huấn ở tỉnh ngoài.
Về thông tin có đội tuyển được bố trí lịch tham gia thi đấu quá sát ngày, thậm chí hôm trước vừa di chuyển đến địa điểm thi đấu, thì hôm sau các vận động viên đã phải ra sân ngay, trong trạng thái tinh thần thể lực không được thoải mái ảnh hưởng đến thành tích thi đấu. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho rằng có trường hợp rơi vào tình huống đáng tiếc đó, và Sở sẽ xem lại để tránh trong những lần sau.
Việc các vận động viên thuộc các đội tuyển đã thi đấu xong trước thời điểm 8/12 khi gói thầu mua sắm thiết bị mới thực hiện xong – dù thương thảo với nhà thầu không mua số trang thiết bị dành cho các đội đã thi đấu xong nữa, là nhằm tiết kiệm chi phí, lại cũng nảy sinh vấn đề “chênh lệch” về chế độ đối với các vận động viên. Bởi lẽ, cùng đi thi đấu giải, nhưng có đội được cấp phát trang thiết bị, còn 4 đội lại không được cấp vì lý do… đã thi đấu xong.
Đối với những “băn khoăn, so sánh này” lãnh đạo Sở VHTT và Du lịch cho biết, đội tuyển bóng đá là một trong 4 đội rơi vào trường hợp “thi đấu xong, trước thời điểm gói thầu cung cấp trang bị được thực hiện”, và Sở cũng có giải thích cho các cầu thủ rõ. Còn các vận động viên của 3 đội còn lại, Sở cũng giải thích lý do rằng theo quy định thì không được cấp trang thiết bị cho những đội đã thi đấu xong, và đa số anh em đều vui vẻ chia sẻ, chấp nhận, còn một số thì đòi hỏi.
Được biết, liên quan đến những nội dung này, hiện tại thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã được giao tiến hành thanh tra xử lý.
Vĩnh Phúc: Nhiều vận động viên khốn khổ vì bị “khất lần” thanh toán tiền chế độ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại