Vĩnh Phúc: Nhiều vận động viên khốn khổ vì bị “khất lần” thanh toán tiền chế độ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác vận động viên đạt thành tích cao tại Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 6 năm 2022. (Ảnh minh họa) |
“Ăn chịu, ngủ nợ” để thi đấu…
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, thực tế việc chi trả chế độ dành cho vận động viên tại tỉnh Vĩnh Phúc trong dịp tập huấn, thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đang có dấu hiệu “không bình thường”.
Cụ thể, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã ra quyết định thành lập 13 đội tuyển tham gia thi đấu với hơn 200 vận động viên, huấn luyện viên. Kinh phí thực hiện trích từ ngân sách Nhà nước.
Trái ngược với nỗ lực thi đấu giành thành tích của các vận động viên (Vĩnh Phúc xếp thứ 27/65 đoàn tham dự, với 9 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và 17 huy chương Đồng), khi kết thúc Đại hội, đến nay đã sang năm 2023, các chế độ dành cho vận động viên (trích từ ngân sách) đã bị chậm chi trả, không kịp thời động viên khích lệ tinh thần các vận động viên. Có huấn luyện viên rơi vào tình cảnh phải “trốn nợ” vì chưa được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thanh toán tiền chế độ - không những bị vận động viên hỏi đòi, mà các đơn vị kinh doanh dịch vụ “ăn ngủ, lưu trú” cũng tìm đến đòi số tiền “ký nợ” chi phí cho đoàn đội tuyển trong thời gian tập huấn.
“Tình cảnh” này diễn ra trong thời gian khá dài, nhưng nhiều vận động viên, huấn luyện viên vẫn phải “cắn răng” chịu đựng, khi các có thắc mắc về chế độ của đội tuyển cũng như cá nhân không được kịp thời chi trả.
Huấn luyện viên “thả gà ra đuổi”…
Thông tin với báo chí về “thực trạng” không bình thường nói trên, nhiều huấn luyện viên và vận động viên đều đề nghị giấu tên, vì không muốn bị ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mình.
“Để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 diễn ra tại Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã có quyết định thành lập 13 đội tuyển tham dự. Tại các quyết định ghi rõ thời gian tập huấn và thi đấu, kinh phí thực hiện từ ngân sách. Nhưng thực tế nhiều đội tuyển không dám đi tập huấn, vì không được tạm ứng kinh phí.
Có những môn thi đấu, kinh phí tập huấn hoàn toàn do huấn luyện viên bỏ tiền túi ra chi trả trước, sau đó khi trở về mới làm thủ tục thanh toán với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc. Việc trì hoãn thanh toán tiền chế độ cho đội tuyển vận động viên, là nguyên nhân khiến có huấn luyện viên “thả gà ra đuổi” đã mang nợ vào người, chưa tìm ra lối thoát.” - một huấn luyện viên (đề nghị giấu tên) chia sẻ.
“Thực trạng” này khiến nhiều huấn luyện viên rất ngao ngán khi trót “thả gà ra đuổi” - vác tiền túi ra chi trả khi dẫn đội tuyển đi tập huấn (nhiều người không sẵn tiền thì ký nợ) nhưng đến lúc làm thủ tục để được thanh toán lấy tiền trả nợ thì “bách nhục” không khác gì đi ăn xin, bị trì hoãn khất lần lên xuống. Việc này, khiến nhiều đội không dám đi tập huấn, mặc dù họ biết thể thao mà không được tập huấn thì không lấy đâu ra thành tích cao.
Đó là chưa kể đến một thực tế chua chát khác cũng khiến không ít vận động viên ngậm ngùi - trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội họ còn không được cấp phát trang phục, dụng cụ tập luyện. Ngay cả khi thi đấu họ cũng không được cấp phát trang phục, giày… theo quy định.
Được biết, chế độ cho các vận động viên tham gia tập luyện ở các đội tuyển thể thao của Vĩnh Phúc trước đây vẫn thực hiện theo Nghị quyết 39 năm 2011 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, riêng chế độ dinh dưỡng thì thực hiện theo Nghị quyết 12 năm 2021 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, vận động viên tham gia tập luyện sẽ không có lương hàng tháng mà chỉ được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày. Trong thời gian tập huấn, thi đấu thì ngoài hỗ trợ tiền ăn, chế độ dinh dưỡng, vận động viên được trả thêm tiền công tập luyện theo ngày… Do vậy, việc chi trả tiền chế độ (tập huấn, tiền ăn, tiền công tập luyện…) bị trì hoãn, khất lần đã khiến nhiều vận động viên gặp khó khăn trong cuộc sống.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại