Thứ sáu 22/11/2024 02:53

Vĩnh Phúc: Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tâm thần trên địa bàn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, đập phá, la hét thậm chí có trường hợp hành hung nhân viên y tế, là chuyện “bình thường” với đội ngũ y bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc. Nhưng với tấm lòng tận tụy, họ đã cố gắng khắc phục khó khăn, chia sẻ cùng bệnh nhân từng bước vượt qua bệnh tật.
Vĩnh Phúc: Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tâm thần trên địa bàn
Khác với những bệnh thông thường khác, việc khám bệnh cho các bệnh nhân tâm thần đòi hỏi các y bác sĩ phải có những kĩ năng "đặc thù" cộng với sự kiên trì, tinh tế, hết lòng với bệnh nhân...

Chuyển biến nhận thức về khám điều trị bệnh Tâm thần

Trao đổi với PV Pháp luật & Xã hội, bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc cho biết: Trước kia các trường hợp bệnh nhân tâm thần thường không được sự quan tâm đầy đủ của gia đình, dựa hoàn toàn vào trợ cấp xã hội, thậm chí có trường hợp lang thang, “ăn bờ ở bụi” ngoài cộng đồng, khiến bệnh tật càng thêm trầm trọng, và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường trước cho cộng đồng xã hội.

Những năm gần đây, kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi, kéo theo nhận thức của người dân cũng có chuyển biến, điều kiện khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Tâm lý người dân không còn xem bệnh tâm thần là bệnh “giời đày” nữa, mà xem đây cũng như nhiều bệnh khác, cần chữa trị đúng cách để bệnh nhân nhanh chóng phục hồi.

“Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc mỗi ngày có khoảng gần một trăm bệnh nhân đến khám chữa bệnh, (tăng 40 đến 50% so với trước đây). Nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến khám chữa bệnh trong tình trạng tinh thần không bình thường - la hét, đập phá, từ chối hợp tác, nên nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện công tác chuyên môn” - bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm cho biết.

Khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc hiện được bố trí một chiều theo quy định, có đủ thiết bị y tế và biên chế phục vụ theo phân hạng của bệnh viện. Với các nhiệm vụ, tổ chức và tiếp nhận người bệnh đến khám bệnh, cấp cứu, kê đơn. Khám bệnh, sàng lọc người bệnh vào điều trị nội trú, thực hiện công tác điều trị ngoại trú và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đồng thời, tổ chức khám định kì cho những người bệnh tâm thần trong tỉnh và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ chức dây chuyền khám sức khỏe theo nhiệm vụ được giao. Những năm qua, việc thực hiện các công tác chuyên môn tại Bệnh viện đã được cải thiện rõ rệt, giúp bệnh nhân và gia đình yên tâm điều trị.

“Đặc thù” nghề nghiệp bác sĩ khám điều trị bệnh tâm thần

Chia sẻ về những khó khăn, bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm cho biết, việc khám chữa cho các bệnh nhân tâm thần làm một công việc “đặc thù”. Người ngoài nhìn tưởng đơn giản, nhưng thật ra lắm công phu, đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo sử dụng nhiều nghệ thuật giao tiếp trong đó.

“Đặc thù ở điểm, các chuyên khoa khác, bác sĩ thường dùng nhiều kĩ năng như Nhìn - Sờ - Gõ - Nghe để thăm khám bên ngoài hoặc các tạng nằm bên trong cơ thể. Còn khám tâm thần, cơ quan đích nhắm tới là não bộ, các kĩ năng trên sẽ bị hạn chế. Với các bác sĩ khám chữa bệnh tâm thần, họ phải tinh tế và khéo léo trong vận dụng kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ - “hỏi bệnh”, qua đó sẽ dần bộc lộ một cách gián tiếp hoạt động chức năng của não bộ, biết được người đến thăm khám là “bình thường hay bất bình thường”, mức độ bệnh của họ như thế nào?” - bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm nói.

Việc vận dụng kĩ năng “đặc thù” như trên, dẫn đến có nhiều bệnh nhân không hiểu điều này, nên thường hay phàn nàn rằng bác sĩ không “thăm khám” cho họ. Do họ thường nghĩ rằng, bác sĩ không sờ nắn hay gõ, nghe tim phổi qua lồng ngực bằng ống nghe - việc thường thấy khi đi khám cơ xương khớp, tiêu hóa, tim mạch...

Bệnh nhân Tâm thần thường không biết rằng bằng nhiều cách, các y bác sĩ khi thăm khám đã loại trừ các bệnh lý nội - ngoại khoa trước đó, và khi hỏi tức là đang tập trung vào khám tâm thần - một công việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự tinh tế, thận trọng. Sau buổi đầu tiên, sẽ có những buổi thăm khám kế tiếp với thời gian có thể rút ngắn hơn. Khó có chuyên khoa nào mà một buổi thăm khám có thể kéo dài hơn buổi khám của chuyên khoa Tâm thần.

Xóa đi “mặc cảm” giúp bệnh nhân yên tâm điều trị

Được biết, Khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc mỗi ngày trung bình có khoảng gần 100 bệnh nhân đến khám. Các bệnh nhân đến khám rất đa dạng các mặt bệnh như: Động kinh, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, tự kỉ tăng động ở trẻ nhỏ, rối loạn tâm thần người già, rối loạn tâm thần do rượu, loạn thần khi sử dụng ma túy...

“Đặc biệt, có một số trường hợp đến khám trong tình trạng kích động, đập phá, chửi bới gây khó khăn cho việc thăm khám thậm chí có những cán bộ bị bệnh nhân tấn công gây tổn thương. Có những đối tượng lầm lì, không nói, không hợp tác, lúc này đòi hỏi bác sĩ phải có kĩ năng, nhiều kinh nghiệm để tìm ra phương án chẩn đoán và điều trị” - bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm chia sẻ thêm.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức Ban lãnh đạo, bệnh viện đang dần được đổi mới về mọi mặt. Đặc biệt, Bệnh viện đã mời giảng viên giảng viên Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng của Bộ Y tế về tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kĩ năng giao tiếp ứng xử, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh. Chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực thu hút đông đảo cán bộ nhân viên y bác sĩ, người lao động của bệnh viện tham gia.

Vĩnh Phúc: Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tâm thần trên địa bàn
Giao ban, trao đổi thông tin nâng cao kỹ năng nghiệp vụ khám chữa bệnh cũng là một công việc thường xuyên đối với đội ngũ y bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Phúc.

Sau tập huấn, cán bộ đã nhận thức rõ và thay đổi phong cách phục vụ, coi người bệnh như khách hàng. Quan niệm về bệnh tâm thần được mở rộng. Bên cạnh đó, môi trường bệnh viện cũng được thay đổi: Xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp, có cây xanh, có sân bóng, khu vực giải trí cho bệnh nhân; chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn, thái độ ứng xử của các bác sĩ cũng thay đổi phù hợp hơn.

Việc áp dụng điều trị rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng, tuyên truyền về bệnh tới đông đảo người dân… Từ đó, đã dần khiến người dân nhìn vào Bệnh viện Tâm thần có cảm giác bình dị, giống như đi điều trị một căn bệnh thể chất khác. Còn các bệnh nhân tâm thần, không bị mặc cảm căn bệnh của mình. Tương tự, bệnh tự kỷ ở trẻ được phát hiện nhiều hơn do trình độ của bác sĩ và nhận thức của cộng đồng được nâng cao, không còn hạn hẹp như trước.

Vĩnh Phúc: Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc Vĩnh Phúc: Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc
Nâng cao năng lực điều trị nhi khoa cho tuyến y tế cơ sở Nâng cao năng lực điều trị nhi khoa cho tuyến y tế cơ sở
Vĩnh Phúc: Tích cực nâng cao nâng cao vị thế vai trò của trẻ em gái Vĩnh Phúc: Tích cực nâng cao nâng cao vị thế vai trò của trẻ em gái
Sở Y tế Vĩnh Phúc: Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh Sở Y tế Vĩnh Phúc: Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động